Top

Thể chế chống đầu cơ BĐS

Cập nhật 04/04/2012 14:20

Việc đánh thuế cao đối với BĐS do Bộ Xây dựng đề xuất chính là thể chế rõ ràng, hiệu quả, giúp giảm nạn đầu cơ, tích trữ nhà đất, giúp hạ giá nhà để người dân có nhu cầu thực tiếp cận được sản phẩm.

Bong bóng bất động sản TPHCM

Điều này được ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đặc biệt nhấn mạnh khi đề cập tới việc thực hiện Chỉ thị 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường BĐS.

Theo ông Phạm Văn Khánh, thuế là một công cụ quản lý nhà nước. Các nước sử dụng rất hiệu quả công cụ này và thời gian qua, Việt Nam cũng đã áp dụng đánh thuế cao để quản lý, điều tiết thị trường ở những lĩnh vực mà Nhà nước không khuyến khích đầu tư.

Tác hại của đầu cơ BĐS đã thể hiện rất rõ trong thời gian qua. Có một thực trạng đáng lo ngại là, một nguồn lớn vốn đổ vào BĐS, nhưng bị chôn lại, không mang lại giá trị gia tăng, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất khác đang rất khát vốn. Cho nên, cần có những biện pháp để chuyển nguồn vốn ứ đọng này sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo động lực để kinh tế phát triển.

Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều bất động sản, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đồng thời tổ chức hệ thống thông tin về thị trường BĐS một cách công khai, minh bạch để các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp nhận thông tin về thị trường.

Cũng theo ông Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, pháp luật khi đã được ban hành, thì người dân luôn tìm mọi cách để tránh hoặc lách. Vấn đề là, người làm luật phải lường trước được những tình huống đó để hạn chế việc này. Giám sát việc trốn thuế không khó. Việc quản lý BĐS phải được thực hiện công bằng, minh bạch, công khai, nên nếu chúng ta công bố rõ ràng, công khai trên Internet, thì sẽ tránh được tình trạng trốn thuế.

Nhằm đưa thị trường BĐS đi vào ổn định và hoạt động một cách lành mạnh, Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính Phủ về tình hình thị trường BĐS và đề xuất một số giải pháp.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, thiếu bền vững. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của BĐS.

Thị trường nhà ở phát triển mất cân đối, các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp dẫn đến thị trường căn hộ cao cấp bão hòa và dư thừa trong khi nguồn cung những nhà giá thấp thì quá thiếu, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê (chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trong cả nước).

Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến đã làm giá cả tại các khu vực này tăng mạnh, một số người môi giới, đầu cơ đất đai lợi dụng cơ hội “làm giá” để trục lợi, làm méo mó thị trường. Ngoài ra các vi phạm trong kinh doanh BĐS còn diễn ra phổ biến, như chủ đầu tư giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng. Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp.

Để minh bạch thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đề xuất xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Theo Bộ Xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Bộ Xây dựng đã kiến nghị kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS. Tiếp đến, giảm tỷ trọng tín dụng BĐS có lộ trình, điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng trong đó cần tăng tỷ trọng cho vay đối với xây dựng hạ tầng phục vụ mục đích kinh doanh, vay mua nhà để ở, vay hoàn thiện các dự án đã gần hoàn thành tăng tính thanh khoản cho sản phẩm nhằm bán thu hồi vốn đầu tư. Đồng thời, sớm nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ Đầu tư tín thác BĐS tăng vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm thị trường BĐS, nhất là BĐS nhà ở. Cần phát triển cân đối giữa cung và cầu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng của các khu đô thị mới. Cụ thể tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng (tại Hà Nội, TP. HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80%). Hạn chế phát triển nhà ở cao cấp có diện tích từ 120m2 trở lên tối đa không quá 20% trên tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới…); tạo cơ chế phù hợp phát triển nhà cho thuê.

Giải pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm gồm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Bộ kiến nghị sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh BĐS. Giải pháp cuối cùng, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong đầu tư và kinh doanh BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn