Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất phát từ việc “gò ép” giá đất mà Nhà nước thất thu một nguồn ngân sách rất lớn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.
Lâu nay, việc chênh lệch giá đất giữa khung giá nhà nước và giá thị trường là nguyên nhân chính gây ra việc thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo bảng giá đất mới nhất tại Hà Nội, giá đất cao nhất là hơn 81 triệu đồng/m2 tại khu vực phố Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm). Còn thấp nhất ở khu vực đô thị là 2,3triệu/m2 tại phường Dương Nội (Hà Đông). Tuy nhiên, trên thực tế, giá đất tại các khu vực trung tâm cao gấp cả chục lần so với mức giá 81 triệu đồng.
Do khung giá trần này mà khi chuyển nhượng nhiều người nhờ đã lợi dụng để kê khai giá bán thấp hơn nhiều so với giá trị thật nhằm trốn thuế.
Đơn cử, giá bán nhà đất luôn được ghi thấp hơn giá trong hợp đồng. Bởi khi tính thuế thu nhập, việc ghi thấp hơn có lợi hơn nhiều do áp hai hình thức tính như nếu xác định được giá mua, giá bán theo quy định, thì thuế thu nhập sẽ tính bằng 25% chênh lệch giá mua, giá bán. Trường hợp không xác định được giá mua, giá bán theo quy định thì thuế thu nhập tính bằng 2% giá chuyển nhượng đất - giá chuyển nhượng đất xác định theo Bảng giá đất do thành phố quy định, nếu các hộ dân kê khai thấp hơn Bảng giá đất.
Không chỉ giao dịch nhà đất đơn lẻ mà ngay tại các dự án lớn của một số tập đoàn bất động sản tên tuổi lâu nay đã tồn tại việc ghi giá bán đất còn ghi thấp hơn nhiều so với giá trị thực hay giá trên hợp đồng thấp hơn giá giao dịch để thu tiền ngoài, trốn thuế.
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, theo quy định hiện nay khi ban hành bảng giá đất, khung giá đất của UBND tỉnh phải phù hợp với thị trường, nhưng trên thực khung giá đất theo Luật Đất đai 2003 chỉ bằng 30-60% giá thị trường . Giá đất tính theo bảng giá của UBND cấp tỉnh so với thị trường thực thì hiện nay đang thấp hơn khá nhiều. Ở trung tâm các đô thị lớn có thể chỉ bằng 10%, những nơi khác ở mức độ cao từ 50 - 60%. Như vậy, bảng giá đất theo đúng quy luật của pháp luật thì phải phù hợp với thị trường, cho phép chênh lệch với thị trường chỉ tối đa là 20%.
Bảng giá đất thấp gây thất thu của Nhà nước là rất lớn. Mà hiện nay, điều này lại được thừa nhận như là đương nhiên, kể cả từ thuế sử dụng đất cho tới thuế chuyển quyền, thuế thu nhập từ chuyển quyền.
Còn về định giá, do không có cơ sở dữ liệu được gọi giá thị trường, vì vậy trên tất cả hợp đồng chuyển nhượng ghi một giá để trốn thuế, nhưng vẫn được cơ quan thuế công nhận.
“Đây là những thực tế mà đáng lẽ nguồn thu từ đất phải được cao hơn rất nhiều, song chúng ta lại đang thu ở mức độ thấp hơn so với khả năng có thể thu thực theo quy định của pháp luật” ông Võ nói.
Sự chênh lệch lớn kéo dài hơn 20 năm này đã gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Theo tính toán của Bộ Tài chính năm 2011, thu ngân sách từ đất đai chiếm 11,2% tổng thu ngân sách tương đương 67.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế nếu thu đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả mỗi năm nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD tương đương 100.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thuế, nếu trong giai đoạn 2006-2010, các khoản thu từ đất đai chiếm 13-18% tổng thu nội địa (trừ dầu thô), thì trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ này sẽ có xu hướng giảm khá mạnh. Chẳng hạn vào năm 2011, các khoản thu từ đất đai đóng góp vào ngân sách 49.460 tỷ đồng, bằng 11,63% thu nội địa trừ dầu thô; năm 2012, số thu từ đất đai (theo dự toán), giảm xuống chỉ còn 42.458 tỷ đồng, bằng 8,58% số thu nội địa trừ dầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: