Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa ốc, trong bối cảnh quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản tại TP.HCM ngày càng bị thu hẹp.
Trong quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM, vẫn dành một diện tích nhất định cho đất lúa. Ảnh: Gia Huy. |
Sẽ đấu giá quỹ đất chuyển đổi
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM diễn ra tuần trước, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản.
Theo ông Nhân, đất nông nghiệp của TP.HCM hiện chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của Thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Vì vậy, TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhằm tăng diện tích đất cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bất động sản tại TP.HCM hiện nay.
Quỹ đất được chuyển đổi mục đích nằm tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, vốn là đất trồng lúa phục vụ an ninh lương thực quốc gia và đất trồng cây lâu năm, nhưng đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước...
Hầu hết quỹ đất nông nghiệp này đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được xác định trong lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, được phê duyệt năm 2010, như đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Bình Quới - Thanh Đa...
“Với quỹ đất này, các doanh nghiệp sẽ thực hiện hình thức mua đấu giá. Ước tính sơ bộ, giá trị của quỹ đất nếu thực hiện đấu giá là 1,5 triệu tỷ đồng”, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đối với 26.000 ha chuyển mục đích sử dụng, nếu đất nông nghiệp của người dân thuộc quy hoạch đất ở, thì người dân được chuyển mục đích để xây nhà.
Với nhà đầu tư, nếu chuyển mục đích sử dụng khu đất đã chọn, phải được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và phải hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Với những dự ándo Nhà nước thu hồi đất, sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Về tiến trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP.HCM) cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, sau đó có tờ trình gửi HĐND TP.HCM.
Ông Kiên cũng nhấn mạnh, trong quy hoạch sử dụng đất của TP.HCM, vẫn dành một diện tích nhất định cho đất lúa, chứ không phải chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Cơ hội cho doanh nghiệp địa ốc
Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh TP.HCM đang thiếu nguồn vốn để thực hiện 7 chương trình đột phá đến năm 2020, như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, chung cư cũ, giãn dân…, việc bán đấu giá 26.000 ha đất sẽ thu về khoản tiền lớn để Thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch đặt ra.
Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp địa ốc trong và ngoài nước xuống vốn đầu tư quỹ đất để phát triển dự án bất động sản, đón lõng chương trình giãn dân của TP.HCM.
Hơn nữa, bản Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2017 cũng đã tạo ra “cơn sốt” săn quỹ đất chờ phát triển dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích, để triển khai thực hiện bản quy hoạch này, cần thời gian chuẩn bị 5 - 10 năm nữa.
Khi đó, hạ tầng giao thông phát triển hơn, liên kết vùng TP.HCM với các tỉnh lân cận được đẩy mạnh, cùng với việc triển khai chính sách giãn dân của TP.HCM về vùng ven cơ bản hoàn thiện, sẽ là lúc cần những dự án bất động sản lớn để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân.
“Quỹ đất 26.000 ha chuyển đổi mục đích sử dụng sắp được TP.HCM đưa ra đấu giá nằm chủ yếu ở vùng ven TP.HCM. Doanh nghiệp đấu giá thành công sẽ có được các quỹ đất đẹp, nhiều lợi thế để đón đầu nhu cầu thị trường nhà đất tại những khu vực này trong thời gian tới”, ông Châu nói.
Về phía doanh nghiệp địa ốc, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc HungThinh Land cho rằng, 26.000 ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu lớn của các doanh nghiệp địa ốc, bởi quỹ đất để phát triển bất động sản tại TP.HCM đang khan hiếm.
Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà nhiều doanh nghiệp ngoại cũng đang “đổ bộ”, săn lùng quỹ đất tại TP.HCM để phát triển dự án bất động sản, khiến cuộc cạnh tranh giành quỹ đất ngày càng trở nên gay gắt.
“Việc chuẩn bị sẵn những quỹ đất đẹp tại các các khu vực vùng ven của TP.HCM sẽ tạo đà cho doanh nghiệp địa ốc phát triển thị trường vững chắc hơn trong thời gian tới, khi chương trình phát triển liên kết vùng TP.HCM mở rộng được thực hiện”, ông Hiền nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: