Đến hẹn lại lên. Cứ vào những ngày tháng 4 và tháng 7 là đông đảo người hành hương lại đổ về Côn Đảo để thắp nén hương lòng, tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng kiên trung và đồng bào yêu nước đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Những năm gần đây, cùng với việc tăng cường các chuyến bay và nhất là sự xuất hiện của tàu thủy cao tốc mỗi ngày đưa gần 600 khách ra đảo từ cửa Trần Đề Sóc Trăng với thời gian hải trình chỉ 3 tiếng, đã góp phần làm cho đời sống kinh tế của hòn đảo nhộn nhịp hẳn lên.
Khu nhà nghỉ Sở Rẫy của nguyên Trưởng phòng TN-MT huyện Côn Đảo Võ Thái Hòa
|
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Một người dân trên đảo trần tình: “Ngày xưa giá đất ở Côn Đảo không là mấy, nay đất lên giá gấp nhiều lần, nên nhiều người, đặc biệt là nhiều cán bộ ở đảo giờ giàu lắm”. Người dân đã chỉ ra nhiều vụ việc cấp đất không đúng quy định cho nhiều cán bộ và người nhà cán bộ. Cụ thể nhất là trường hợp ông Võ Thái Hòa, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Côn Đảo mà người dân cho rằng, đất của ông này “hết nửa đảo”. Ông Hòa đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để vơ vét đất công làm giàu bất chính cho cá nhân.
Từ tố cáo của người dân, trong năm 2017 Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Côn Đảo đã vào cuộc xác minh với kết quả là ông Hòa có đến 15 lô đất (một số lô có nhà), trong đó một số tài sản “khủng” như nhà nghỉ Sở Rẫy (khu 6), khách sạn Thái Bình (khu 5), Nhà máy nước đá Bến Đầm, khu nhà nghỉ cho người nước ngoài thuê, đất khu 5… Trong đó, khách sạn Thái Bình có quy mô vài chục phòng, chỉ cách bãi biển chưa đầy 200m, nằm trong một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, có giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Châu Vũ, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Côn Đảo, cho biết, trong năm 2017, qua kiểm tra, xác minh đã phát hiện có 3 lô đất ông Hòa kê khai không đúng và có biểu hiện lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thời gian lãnh đạo phòng TM-MT để hợp thức hóa thành tài sản cá nhân, gồm thửa số 225, có diện tích 1.982m² được cấp năm 2007; thửa số 51, diện tích 735,8m² và thửa 52, tờ bản đồ số 20, có diện tích 572m² (cấp năm 2015). Cả 3 lô đất đều thuộc khu dân cư số 3, đường Huỳnh Thúc Kháng. UBKT Huyện ủy đã kiến nghị thu hồi lại 3 khu đất theo quy định pháp luật.
Thời điểm hiện tại, 3 lô đất trên có giá trên 10 triệu đồng/m², nếu không có sự phát giác của quần chúng, ông Hòa đã ẵm vài chục tỷ đồng. Ngoài 3 lô đất bị thu hồi, ông Hòa và gia đình còn sở hữu đến 12 lô đất khác, nhưng UBKT Huyện ủy Côn Đảo cho rằng, đó là do gia đình ông tạo dựng vì ông có mở doanh nghiệp… Rõ ràng, những tố cáo của người dân đã cho thấy một sự thật nhức nhối về nạn tham nhũng đất đai của một số cán bộ trên đảo.
Phân lô bán nền cả đất rừng phòng hộ
Ngoài trường hợp ông Võ Thái Hòa kể trên còn phải kể đến trường hợp ông Võ Hoàng Phương (dân trên đảo gọi là Năm Phương) được cấp sổ đỏ trên diện tích 13.854m²(nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, khu 7) khi còn đương chức Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy. Phần lớn khu đất này đã được phân lô, sang nhượng cho nhiều người. Anh T. (người đã mua 1.000m² đất của ông Năm Phương) cho hay, anh mua năm 2015 với giá 1,2 tỷ đồng. Thời điểm tháng 4-2018, lô đất này có giá thị trường khoảng 8 tỷ đồng nhưng sau đó sốt đất nên giá trị tăng lên tầm trên dưới 10 tỷ đồng rồi. Hiện với mỗi lô đất diện tích 5 x 25m được cắt ra từ khu đất cấp sổ cho ông Phương cũng trị giá hàng tỷ đồng.
Theo một người dân trên đảo, khu đất này vốn là rừng tràm phòng hộ cho di tích đặc biệt nhà tù Côn Đảo (hiện vẫn còn một khoảnh) nhưng vẫn được cấp sổ đỏ là đất trồng cây lâu năm, rồi được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Ông Phương có con gái là Võ Thị Xuân Diệu làm ở phòng TN-MT huyện, nên một số người dân trên đảo mỉa mai rằng: “con cấp đất cho cha”. Đã vậy, bà Đỗ Thị Thu Bồn là mẹ ruột bà Diệu cũng được giao lô đất có diện tích 600m² trên đường Nguyễn Duy Trinh để làm mặt bằng xây dựng cơ sở kinh doanh (lô đất sau đó đã bị UBND huyện ra quyết định thu hồi).
Cũng cần phải kể thêm 2 trường hợp cấp sổ đỏ cho bà Huỳnh Thị Kim Loan (Đội trưởng Quản lý di tích nhà tù) và ông Trương Văn Chắc (Bí thư Chi bộ khu 9). Những diện tích được cấp sổ lên đến hàng ngàn mét vuông đất có rừng tràm đều nằm trên đất rừng phòng hộ ở ngay trước mặt di tích chuồng cọp Mỹ (trại Phú Bình và trại Phú An) - là khu vực phải được bảo vệ nghiêm ngặt, đáng lý các cá nhân này phải bị xử lý về hành vi phá rừng, hủy hoại cảnh quan của di tích quốc gia đặc biệt.
Không chỉ có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm quản lý về đất đai để vun vén cá nhân, ông Hòa còn có sai phạm trong việc tham mưu cấp đất cho cán bộ trùng lên đất người dân đang sử dụng (như đã nêu ở bài trước), nhưng mức xử lý kỷ luật chỉ là cảnh cáo về mặt Đảng, cho thôi các chức vụ Huyện ủy viên, Trưởng phòng TN-MT. Trong công văn số 724 ngày 27-3-2018 của UBND huyện Côn Đảo (trả lời cử tri) do Chủ tịch Lê Văn Phong ký có nêu trường hợp ông Hòa chỉ tự nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, tập thể UBND huyện bỏ phiếu đồng ý hình thức khiển trách (tỷ lệ 61,5%).
Ngoài ông Võ Thái Hòa, còn có 2 trường hợp nữa cũng liên quan đến cán bộ lãnh đạo phòng TN-MT huyện, dính dáng đến sai phạm trong việc cấp đất cho cán bộ ở khu K, cũng chỉ bị xử lý kỷ luật. Đó là là ông Nguyễn Văn Vĩ (nguyên Trưởng phòng TN-MT) đã có sai phạm: “tham mưu UBND huyện 5/22 quyết định giao đất, trong đó có 2/15 trường hợp giao đất nhưng không tiến hành thu hồi đất, không tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng và ký tắt 11/22 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó có 8/15 trường hợp trao giấy khi chưa bàn giao đất trên thực địa” nhưng vì ông này đã nghỉ hưu nên được... cho qua.
Trường hợp thứ hai là ông Lê Hoàng Hải (nguyên Phó Trưởng phòng TN-MT), “đã trình UBND huyện ban hành 15/22 quyết định giao đất, trong đó có 13/15 trường hợp giao đất nhưng không tiến hành thu hồi đất, không tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng” dù đã được tập thể UBND huyện họp kiểm điểm với hình thức kỷ luật cảnh cáo (tỷ lệ 76,9%), nhưng cũng được UBND huyện viện lý do thời hiệu kỷ luật đã hết nên chỉ kiểm điểm phê bình?
DiaOcOnline.vn - Theo SGĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: