Top

Chuyện nhà thầu ngoại làm dự án ta

Cập nhật 23/02/2012 11:10


Một góc công trình do nhà thầu Nhật Bản đang thi công. Ảnh: A.M
Cùng điều kiện thi công, vốn, mặt bằng, nhưng nhà thầu Nhật Bản thi công tại Dự án Xây dựng đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2 vẫn tạo được sự khác biệt đối với phần còn lại.

“Miếng nạc” hiếm có


Mất tới hơn nửa giờ vật vã, chiếc xe bán tải chở tôi từ Ban điều hành Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) ở đường Ngụy Như Kon Tum (Hà Nội) mới len được qua dòng người xe đông đặc ra vị trí thi công trụ 105, nằm sát với ngã tư Lê Văn Lương, nơi chiếc cẩu long môn sơn màu đỏ ớt cao lừng lững đang chậm rãi nhấc khối cốt thép nặng 30 tấn vừa được đan hoàn chỉnh lên phần thân trụ.

Nằm đúng vào đoạn đường có mật độ giao thông đông nhất trên đường vành đai III Hà Nội (từ nút giao Thanh Xuân tới nút giao Trung Hòa), việc đi lại từ Ban điều hành ra công trường Gói thầu số 2, Dự án Xây dựng đường vành đai III Hà Nội giai đoạn 2 vào thời điểm tan tầm đối với đơn vị thi công luôn là một việc không mấy dễ chịu.

Đối với những người thạo việc giao thông, thi công cầu trên cạn, mặt bằng cơ bản không vướng, kết cấu công trình tương đối phổ thông, vốn liếng sẵn, giải ngân nhanh… như ở Dự án này quả là một “miếng nạc” hiếm có. “Miếng nạc này” có giá trị lên tới 5.547 tỷ đồng có tên đầy đủ là Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai III giai đoạn 2, đoạn Mai Dịch tới Bắc hồ Linh Đàm thuộc đường vành đai III Hà Nội (Dự án) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, đây là dự án không giải phóng mặt bằng, nên toàn bộ kinh phí mà Bộ Giao thông - Vận tải dự tính (bao gồm cả dự phòng) đều phục vụ việc xây dựng tuyến đường. Tuy nhiên, nếu xét về quy mô xây dựng, công năng sử dụng, mức độ hiện đại, tính mỹ thuật thì Dự án quả là “đắt xắt ra miếng”. Ngoại trừ 385 m đường dẫn, toàn bộ chính tuyến của Dự án có chiều dài 8,52 km được chia làm 3 gói thầu, gồm gói thầu số 1, 2 và 3 để xây dựng trên cao thông qua hệ thống cầu cạn có kết cấu dầm Super T, chiều dài nhịp thay đổi từ 21 m đến 40 m, trụ một cột dạng chữ T, móng cọc khoan nhồi đường kính từ 1 đến 1,5 m.

Nói như vậy, không phải là không có điều gì phải “ngả mũ” trước nhà thầu Nhật Bản này trong việc xây dựng một cầu cạn dài 2,7 km với 53 nhịp gồm các dầm giản đơn super T kéo trước dài từ 30 đến 38 m.

Phải thừa nhận rằng, những giải pháp độc đáo mà Sumitomo Mitsui đang triển khai tại Gói thầu này ly kỳ không kém gì việc vén màn bí mật về quá trình xây dựng các siêu công trình xây dựng trong loạt chương trình “How it’s made” hay “Mega Builders” nổi tiếng của kênh truyền hình Discovery mà giới tín đồ về kỹ thuật Việt vẫn chúi mũi vào 9 giờ tối thứ Năm hàng tuần.

Chưa bàn đến chuyện Sumitomo Mitsui phải làm như thế nào để có thể rút ngắn tiến độ một nửa thời hạn hợp đồng từ 30 tháng xuống còn 15 tháng - một kỷ lục có lẽ sẽ ít lặp lại trong ngành cầu đường Việt Nam, chỉ riêng việc 6 chiếc cẩu long môn nặng 60 tấn mới tinh vận hành như thế nào giữa tuyến đường đông đúc bậc nhất Thủ đô cũng khiến khối người tò mò và tỏ vẻ thán phục.

Không giống như các công trình xây dựng cầu thông thường, câu chuyện “nước đổ lỗ dế” gần như không xảy ra tại Gói thầu số 2, dù quá trình thi công vẫn phải trải qua đủ 3 giai đoạn: thi công phần móng cọc khoan nhồi; bệ, thân, xà mũ và gác dầm.

Được chia làm 2 loại trụ: trụ đơn và trụ kép (bao gồm cả 2 làn lên xuống), 544 cọc khoan nhồi đường kính 1 - 1,5 m sẽ được khoan xuống âm 45 - 50 m, độ sâu không kém bất cứ một cầu vượt sông nào. Nếu quá trình khoan cọc nhồi tại Gói thầu số 2, 6 cẩu long môn chưa tham gia được nhiều, thì khi bắt đầu chuyển sang các giai đoạn còn lại, không chiếm dụng quá nhiều diện tích công trường vốn đã cực kỳ chật chội, sức nâng cực lớn, những chiếc cẩu giá đồ sộ chạy trên 2 đường ray sắt này bắt đầu phát huy tối đa công năng.

Khác với 2 gói thầu còn lại của Dự án, hầu hết các thiết bị phụ tạm như ván khuôn, đà giáo và hệ chống đều được Sumitomo Mitsui thiết kế tổ hợp thành bộ lớn, trong đó chỉ riêng bộ ván khuôn thi công phần thân trụ trên, bướu, xà mũ bằng thép chuyên dụng nặng tới hơn 20 tấn. Ngay cả phần cốt thép cho xà mũ nặng gần 30 tấn cũng được đan từ hàng ngàn cây thép to cỡ cổ tay ở dưới đất sau đó được cẩu lên đặt chính xác vào lòng ván khuôn đã chờ sẵn. Toàn bộ phần ván khuôn đồ sộ này sau khi tháo dỡ sẽ được đưa sang lắp tại các hố móng khác nhường chỗ cho các phiến dầm super T nặng 70 tấn được cẩu đặt ngay ngắn trên đỉnh xà mũ.

Do quá trình thi công cọc khoan nhồi tại đây được thi công đồng thời tại 6 vị trí theo 2 hướng bắt đầu từ nút giao Lê Văn Lương nên chỉ sau khoảng nửa năm, tại vị trí mới ngày nào còn là bãi đất trống đã rợp những trụ, những dầm.

“Không phải mất quá trình thời gian cho việc lắp, dỡ ván khuôn lắt nhắt, nên thời gian thi công hoàn tất 1 trụ của Sumitomo Mitsui chỉ mất 15 ngày thay vì 40 - 45 ngày thi công theo phương pháp thông thường. Đó là chưa kể, tiện ích các phần thân trụ được thi công theo khối lớn bằng ván khuôn chuyên dụng, nên trụ cầu nào cũng nần nẫn như một khúc giò nạc, tuyệt không thấy tí bavia nào”, ông Bùi Quang Ninh, Phó trưởng phòng Dự án 1, PMU Thăng Long bình luận.

Lời giải hay cho bài toán khó


Phần đầu tư thiết bị tại Gói thầu số 2 của Sumitomo Mitsui không quá lớn và quá hiện đại. Toàn bộ 10 cẩu long môn và 6 bộ ván khuôn đều được chế tạo trong nước với giá thành khoảng 50 tỷ đồng. Đây là một giá trị không lớn, nếu so với tổng giá trị của gói thầu lên tới 1.523 tỷ đồng.

“Đã có nhiều người hỏi tôi liệu có mạo hiểm không khi quyết định rút ngắn thời gian thi công xuống còn một nửa - một việc hy hữu ngay cả ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhờ dàn thiết bị này cộng với biện pháp tổ chức thi công hợp lý, đến thời điểm này chúng tôi vẫn đang kiểm soát tốt tiến độ”, ông Kazumitsu Tahara, Ủy viên chủ quản Ban điều hành, đại diện toàn quyền tại Việt Nam của Sumitomo Mitsui nói chắc nịch.

Được biết, toàn bộ cẩu long môn của Sumitomo Mitsui đã được nhiều đối tác hỏi mua ngay sau khi công việc thi công kết thúc. Riêng đối với 6 bộ ván khuôn nặng hơn 200 tấn, nhà thầu này dự kiến sẽ bán ngay và thu về ít nhất 50% giá trị, sau khi đã được chủ đầu tư cho tính khấu hao 30% giá trị. Nếu tính cả việc hạn chế được rủi ro biến động giá từ việc rút ngắn thời gian thi công, bài toán lợi ích được vị giám đốc Nhật Bản có hơn 8 năm thi công tại Việt Nam đưa ra lời giải có tính hợp lý cao và chính xác.

Theo ông Ninh, dù chạy sau 2 gói thầu xây lắp cùng Dự án từ 6 đến 12 tháng, nhưng Sumitomo Mitsui vẫn cơ bản bám chắc tiến độ chung và nếu không có biến động lớn, nhà thầu này sẽ về đích trước ngày 30/10/2012.

Trong lúc ngồi đợi để chứng kiến và ghi lại mấy tấm hình của mẻ bê tông tiếp theo, bất chợt tôi thấy, hàng chục công nhân đang cần mẫn dùng máy tuốt sạch lớp gỉ sắt bám trên các đầu cọc thép trước khi ráp nối, trước sự giám sát khắt khe của kỹ sư người Nhật! Sự gọn gàng, ngăn nắp, không đầu mẩu thép thừa hay một chút rác sinh hoạt trên công trường bỗng làm tôi thấy nhớ lại hình ảnh anh kỹ sư người Nhật đeo chiếc túi nhỏ bên hông, với chiếc gậy có gắn nam châm đi thu từng mẩu sắt thừa trên công trường xây dựng cầu Bãi Cháy ngày nào. “Hiện đại và tác phong công nghiệp, có lẽ phải được thể hiện ngay từ chi tiết nhỏ nhất”, tôi tự nói với mình như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư