Mất 3 năm nữa thị trường bất động sản mới hấp thụ hết khoảng 38.500 căn hộ hiện đang tồn đọng
Trong buổi gặp mặt đầu Xuân Nhâm Thìn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hồ hởi cho biết UBND TPHCM đang trao đổi với đơn vị về chủ trương mua lại các căn hộ bị ế tại các dự án chung cư thương mại. Khi thông tin này đưa ra, nhiều người cho rằng nó như “phao” cứu sinh cho các chủ dự án hiện đang gặp khó khăn về vốn, thế nhưng, dư luận không khỏi hoài nghi bởi chủ trương này dù được chấp thuận cũng khó thành hiện thực.
Cái cần không có, cái có không cần
Hiện TPHCM đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm, do đó, một số lượng lớn dân cư bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng với quy mô lớn. Phần lớn người dân thuộc diện tái định cư hiện ở nhà tạm trong giai đoạn chờ xây dựng các dự án nhà tái định cư. Do đó, chủ trương mua lại căn hộ tại các dự án nhà ở thương mại để bố trí cho người dân tái định cư có thể xem là một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến nhiều chủ dự án mừng hụt.
Thị trường căn hộ ở TPHCM đang rất cần đầu ra. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo ông Lê Hoàng Châu, lãnh đạo Sở Xây dựng TP cũng đánh tiếng về việc thực hiện chủ trương mua lại các căn hộ có quy mô hợp lý với diện tích từ 40-70 m2/căn. “TP sẽ không lợi dụng khó khăn của doanh nghiệp (DN) để ép giá mà hứa sẽ mua lại với giá làm sao để DN có lãi. Khi chủ trương này được thực hiện sẽ góp phần giải quyết được một lượng hàng tồn khá lớn của các DN, giúp tính thanh khoản của thị trường tăng lên rất nhiều vì đây là một khách hàng lớn”- ông Lê Hoàng Châu nói.
Thông tin trên quả hấp dẫn nhưng “bài toán” mà TP đưa ra về diện tích căn hộ sẽ được mua rất khó đáp ứng. Bởi một thực tế, hiện nay những dự án có căn hộ diện tích nhỏ như trên thường đã bán hết vì hợp với túi tiền của đa phần người dân. Còn đa phần căn hộ đang ế đều có diện tích từ 80 m2 trở lên, thậm chí có những căn hơn 200 m2, giá cũng khá cao, từ 16 triệu đồng/m2 trở lên. Những dự án khác phần lớn đang dở dang, thậm chí mới xây xong móng, do vậy việc bỏ tiền ra mua những căn hộ kiểu “lúa non” dạng này quả khó thành hiện thực.
Người muốn vào, kẻ đòi ra
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty CBRE, năm 2010 và 2011, trung bình mỗi năm, bán được trên dưới 13.000 căn hộ trên thị trường. Trong khi đó, tổng cung trong năm 2012 dự kiến khoảng 38.500 căn hộ (trong đó lượng tồn năm 2011 là 16.500 căn và 22.000 căn còn lại là nguồn cung mới trong năm 2012). “Như vậy, nếu lấy số lượng bán căn hộ trong năm 2010 và 2011 làm cơ sở thì sẽ mất khoảng 3 năm thị trường mới hấp thụ hết tổng nguồn cung năm 2012” - ông Marc Townsend nói.
Nhiều người cũng đang cân nhắc trước tin UBND TPHCM vừa bác kiến nghị của Sở Xây dựng cho phép các chủ đầu tư 2 dự án chung cư Ngọc Lan (quận 7) và Cao ốc Xanh (quận 9) được bán ra thị trường 20% quỹ nhà phục vụ tái định cư do các quận, huyện chưa có nhu cầu (số căn hộ này trước đó TP đã đặt mua từ chủ dự án nhằm phục vụ công tác tái định cư). UBND TPHCM không đồng ý vì việc này sẽ tạo tiền lệ, ảnh hưởng không tốt đến chương trình nhà ở của TP.
Nếu TP đứng ra mua lại căn hộ của DN thì điều này quá tốt cho thị trường. Nhưng dù gì thì đây cũng mới chỉ là ý tưởng, còn cần thời gian để thực hiện. Vấn đề cấp bách của thị trường bất động sản lúc này là cần có những chính sách cụ thể để giúp các DN vượt khó.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: