“Đừng lấy quy định sở hữu toàn dân để đặt ra quyền Nhà nước thu hồi đất mà hãy quan niệm như Hiến pháp 1992, tức là quyền sử dụng đất là tài sản của dân”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh. Vụ việc cấp, thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất sai ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một hồi chuông cấp báo về việc phải khẩn cấp sửa Luật Đất đai. Đất Việt đã phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, về vấn đề này.
* Vụ việc đất đai ở Tiên Lãng đã cho thấy nhiều bài học và những hạn chế cần sửa đổi của luật Đất đai hiện hành. Vậy, cần điều chỉnh, sửa đổi những vấn đề gì trong luật Đất đai, thưa ông?
Vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc cần khẩn trường sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung Luật Đất đai. Theo tôi, có 9 nhóm vấn đề chính trong sửa đổi Luật Đất đai. Đó là:
Thứ nhất, vấn đề thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp, tức là hạn mức về thời gian và không gian đối với đất nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta phải có cách giải quyết mạch lạc cho vấn đề này. Đó là: giữ lại, xóa bỏ hay nới rộng thời hạn và hạn điền. Nếu chọn nới rộng thì sẽ làm gì khi giới hạn nới rộng đó tới nơi.
Thứ hai, vấn đề về tính bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Việt Nam đã là một thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và còn 7 năm nữa để thực hiện đầy đủ các quy tắc của WTO. Khi đó, giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước phải có sự bình đẳng thực sự.
Tất nhiên, khi xác lập sự bình đẳng này phải gắn với sự thu xếp lại quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đối với đất đai. Nói cách khác là quyền và nghĩa vụ đối với đất phi nông nghiệp. Bên cạnh đó là nhiều chế độ sử dụng loại đất này. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng còn những điều chưa phù hợp. Ví dụ như đất ở mà tổ chức sử dụng cũng được vô hạn sẽ tạo điều kiện để đầu cơ đất đai.
GS Đặng Hùng Võ: "Một là chúng ta làm triệt để, hai là để nguyên sở hữu toàn dân nhưng có quy định thu hẹp quyền thu hồi đất của Nhà nước lại". Ảnh: Bá Mạnh. |
Thứ ba, vấn đề quy hoạch sử dụng đất. Hiện nay, chúng ta vẫn giải bài toán quy hoạch theo kiểu dự trữ tổng diện tích đất. Với cách làm này, việc xử lý theo cấp số cộng sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Ví dụ, chúng ta đặt ra chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha lúa. Nhưng tôi đặt câu hỏi là 3,8 triệu ha này nằm ở đâu? Riêng vùng Tây Bắc, Tây Nguyên nếu cộng toàn bộ lại cũng được rất nhiều diện tích đất lúa. Nhưng việc này không để làm gì cả.
Vậy cho nên, giải bài toán quy hoạch đất theo tổng diện tích là quá lạc hậu. Đây là cơ chế quy hoạch, sử dụng đất từ thời bao cấp. Quan điểm quy hoạch, sử dụng đất mới là quy hoạch theo vùng. Tức là vùng này là vùng lúa, vùng kia là vùng rừng đặc dụng, vùng kia là vùng đô thị… Khi đã khoanh được vùng thì đó mới là quy hoạch định hướng cho phát triển.
Thứ tư, vấn đề tài chính đất đai. Luật Đất đai 2003 đạt được một sự tiến bộ khá lớn là quy định giá đất theo thời giá thị trường, nói cách khác là giá đất do nhà nước quy định phải phù hợp với giá thị trường. Nhưng cho đến nay, thử hỏi giá thị trường “đầu Ngô mình Sở” thế nào thì chưa ai nói được cả. Như vậy là quy định đó vẫn nằm nguyên trên giấy thôi, ra ngoài thực tế thì mỗi tỉnh lại quy định “giá thị trường” theo các mức khác nhau. Nhân dân thì cứ bức xúc, nói đó không phải thị trường.
Vậy nên, chúng ta phải làm bước cải tiến nữa đối với hệ thống giá đất. Ở đây tôi không nói về thuế đất vì cái này thuộc về Luật thuế, mặc dù vấn đề này cũng còn nhiều bất cập.
Thứ năm, về giải pháp trong chuyển dịch đất đai. Trước Luật Đất đai năm 2003 có quy định, các dự án dù lớn, bé thế nào thì sau 10 năm Nhà nước sẽ thu hồi đất. Luật năm 2003 làm thêm được một bước nữa là giữ lại một số dự án kinh tế được sử dụng quyết định Nhà nước thu hồi đất, một số phải thỏa thuận. Nhưng thực tế là cơ chế thỏa thuận cũng không thành công. Nguyên nhân là bởi một số người giữ đất cuối cùng nói giá gấp 3 - 4 lần trên thực tế nên nhà đầu tư nhiều khi không đủ tiền để trả. Nói cách khác là cơ chế thỏa thuận hiện nay đang có vướng mắc.
Cơ chế nhà nước thu hồi đất cũng có nhiều bức xúc. Một cơ chế thuận lợi cho việc chuyển dịch đất đai còn có nhiều vướng mắc nên cần phải điều chỉnh lại.
Thứ sáu, vấn đề bồi thường khi Nhà nước áp dụng cơ chế thu hồi đất. Cơ chế bồi thường hiện nay thường do một người vừa có thẩm quyền thu hồi đất, vừa có thẩm quyền giao đất quyết định. Người này lại có quyền quyết định giá đất bồi thường và giá đất yêu cầu nhà đầu tư phải nộp. Tức là người này nắm quá nhiều quyền, mà theo lý thuyết tham nhũng thì nhất định sẽ tham nhũng. Đây là một vấn đề lớn.
Theo một số đề xuất thì nên tản các quyền này ra, có thể mỗi vấn đề sẽ do một hội đồng khác nhau quyết định. Nếu các hội đồng này có cơ chế thành lập hợp lý, hoạt động độc lập với chính quyền, tập hợp được các chuyên gia giỏi thì sẽ giảm thiểu được tình trạng tham nhũng.
Thứ bảy, vấn đề giải quyết khiếu nại của dân. Chúng ta đã biết, việc giải quyết các khiếu nại về đất đai hiện nay đang theo một quy trình là không cho tràn lên Trung ương, tất cả việc giải quyết khiếu nại dừng lại ở cấp tỉnh. Trong khi, luật Khiếu nại lại cho tràn lên Trung ương.
Như vậy, cơ chế giải quyết 70% số lượng khiếu nại hiện nay lại khác với luật Khiếu nại. Luật Khiếu lại xây dựng ra để giải quyết khiếu nại nhưng chỉ giải quyết 30% còn lại. Đây là một điểm còn bất cập. Vì thế, cần hướng tới việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến đất đai cũng giống như các khiếu nại khác, đừng giới hạn các khiếu nại về đất đai không được chuyển lên cấp Trung ương. Hiện nay, việc giải quyết khiếu nại cũng chỉ cho phép ở hai cấp hành chính, sau đó phải qua tòa án hành chính.
Qua vụ Tiên Lãng, có thể thấy tòa án hành chính còn nhiều cái lủng củng, số lượng thẩm phán có trình độ về pháp luật đất đai không nhiều, mối quan hệ giữa hệ thống hành chính và tòa án nhiều khi chưa thuận lợi để tòa án có thể phán quyết về quyết định hành chính… Những điều này dẫn tới những bức xúc, khiếu kiện của người dân còn khá nhiều nhưng giải quyết chưa được bao nhiêu.
Thứ tám là vấn đề phân cấp quản lý đất đai. Trung ương hiện không giữ lại quyền gì ngoài việc xây dựng luật pháp, kiểm tra giám sát và quyết định quy hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh. Tức là toàn bộ quyết định về sử dụng đất hiện nay đang giao cho địa phương. Nhiều người cho rằng phân cấp như vậy là chưa ổn và cần co lại Trung ương nhiều hơn. Như vừa rồi, huyện Tiên Lãng giải quyết các vấn đề về đất đai còn quá nhiều yếu kém. Đây là vấn đề cần suy nghĩ.
Tôi cho rằng, ở nông thôn vẫn phải phân cấp cho huyện để tránh vất vả cho người dân khi phải giải quyết các vấn đề đất đai. Nhưng nếu ở các đô thị mà phân cấp cho các quận thì lại là vấn đề không hay. Việc phân cấp ở các thành phố trực thuộc Trung ương cần xem lại, không nên phân cấp cho quận nữa mà nên để quản lý đất đai ở cấp cả thành phố sẽ tốt hơn. Bên cạnh việc phân cấp thì cần tăng cường cơ chế giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương.
Ví dụ như ở huyện Tiên Lãng sai thì thành phố Hải Phòng phải biết ngay. Điều này quan trọng hơn việc phân cấp. Quy định về việc kiểm tra, giám sát cần được đưa vào luật Đất đai để tránh việc địa phương lạm quyền.
Thứ chín là vấn đề về sở hữu đất đai. Đây là một nhóm vấn đề vô cùng quan trọng, cần có những điều chỉnh, xem xét cho hợp lý hơn.
*
Về vấn đề sở hữu đất đai, có một số ý kiến cho rằng, cần quy định cho phép người dân sở hữu một diện tích đất đai nhất định để đảm bảo quyền lợi cho người dân và tránh đầu cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, một là chúng ta làm triệt để, hai là để nguyên sở hữu toàn dân nhưng có quy định thu hẹp quyền thu hồi đất của Nhà nước lại. Chúng ta đừng lo việc nếu có quyền sở hữu đất thì người ta sẽ tích trữ đất, đầu cơ đất.
Hiện nay, nhiều người đang đầu cơ nhà rất nhiều nhưng chúng ta có giải quyết được không? Không có việc quy định sở hữu cố định bao nhiêu thì người ta vẫn mua cả chục căn nhà để đầu cơ. Vì vậy, chúng ta đừng đặt câu chuyện này ra làm gì vì chúng ta có quản lý được đâu. Sự thật là hiện nay chúng ta đang quy định sở hữu toàn dân mà còn không chống được đầu cơ nhà đất.
Như vậy, quy định về quyền sở hữu không tác động gì đến việc chống đầu cơ. Công cụ chống đầu cơ rất tốt là thuế thì Quốc hội lại chưa dám quyết.
*
Vậy theo ông, vấn đề mấu chốt trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này là gì?
Tôi cho rằng, cần cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992. Đừng lấy quy định sở hữu toàn dân để đặt ra quyền Nhà nước thu hồi đất mà hãy quan niệm như Hiến pháp 1992, tức là quyền sử dụng đất là tài sản của dân.
Nhà nước trong phạm vi thực hiện quyền trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất của người dân, vừa có bồi thường theo thời giá thị trường, như điều 23 trong Hiến pháp, trong trường hợp cần thiết, vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.
Chúng ta chỉ cần cụ thể hóa điều 23 Hiến pháp vào trong luật Đất đai là ổn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: