Top

Chung cư đơn lẻ: Dễ làm, dễ ăn

Cập nhật 24/03/2010 16:30

Hạ tầng cơ sở có sẵn, lại có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao hơn, nên các chung cư đơn lẻ xây chen trong khu dân cư bắt đầu nở rộ.

"Đang tìm mua 1 lô đất dự án, diện tích trên 5.000 m2. Yêu cầu: Giấy tờ hợp lệ, ưu tiên đất có giấy phép xây dựng trên 18 tầng, đất bị ngân hàng cầm cố. Vị trí: Đất mặt tiền lộ lớn (ưu tiên mặt tiền hướng biển, sông hồ)..., nằm ở xung quanh trung tâm thành phố như quận 7, 2 hoặc xa hơn là quận Thủ Đức, Bình Chánh...”.

Những mẩu quảng cáo tương tự không hiếm thấy trên các trang web rao vặt về bất động sản. Tại sao đất diện tích cỡ này lại được săn đón như vậy?

Săn đất xây chung cư nhỏ

Ông Tô Thanh Tùng, chủ một khu đất khoảng 10.000 m2 ở phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM, cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay ông liên tục được các công ty bất động sản hỏi mua để xây chung cư nhỏ. Tìm hiểu một số chủ đất đang rao bán trên mạng, người viết nhận thấy nhu cầu mua các loại đất có diện tích cỡ 5.000 m2 là không nhỏ. Ông Quách Đại Dũng, hiện đang rao bán lô đất 7.500 m2 ở quận 9 cho biết, chỉ sau 2 ngày đăng tin, ông đã phải dẫn ít nhất 20 người đi xem đất. “Đa phần mời hợp tác theo kiểu một bên bỏ đất, một bên bỏ tiền xây dựng, bán rồi ăn chia”, ông nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, những khu đất 5.000-7.000 m2, thậm chí là 1.000-2.000 m2, rất thích hợp để xây các khu chung cư đơn lẻ, một hai trăm căn. Đặc biệt, do nhu cầu lớn, loại chung cư có diện tích trung bình hoặc nhỏ rất được chủ đầu tư chú ý.

Đặc điểm chung của các dự án kiểu này là tọa lạc lại các khu đất trống xen giữa khu dân cư ở ven trung tâm như các quận 2, 7, 8, 9, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh..., vì hầu như chỉ những khu này mới còn các khu đất diện tích lớn và giá rẻ.

Điển hình của loại chung cư này phải kể đến các dự án như Tecco Tower (Thủ Đức) được xây trên khuôn viên chưa đầy 5.000 m2, Điền Phước Thành (Q.4) 3.600 m2, SHB Lilama 584 (Tân Phú) có tổng diện tích 4.026 m2, chung cư Vạn Đô (Q.4) 4.800 m2, Sacomreal 584, The Rubiland (Tân Phú) có diện tích khoảng 7.000 m2...

Dễ làm, dễ ăn

Một trong những nguyên nhân chính khiến loại chung cư này hấp dẫn nhà đầu tư là chúng dễ làm. Ông Đực, Công ty Đất Lành, cho rằng, để xây các chung cư đơn lẻ, nhà đầu tư chỉ việc mua lại đất sạch hoặc hợp tác với chủ đất, xin giấy phép, xây dựng đẹp và rao bán. Trong khi đó, nếu làm các dự án lớn, việc giải phóng mặt bằng thường gặp khó khăn và chi phí đền bù giải tỏa rất lớn. Ngoài ra, “do phải phát triển dự án mới hoàn toàn nên chi phí tiếp thị cũng cao hơn nhiều”, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vinaland, nói thêm.

Ông Đực chia sẻ câu chuyện của chính doanh nghiệp mình. Sau 2 năm xin giấy phép xây dựng khu căn hộ Thái An (Q.12, TP.HCM) với tổng diện tích 3 ha, Đất Lành chỉ mới có được 1,6 ha mặt bằng. 1,4 ha còn lại người dân không chịu giao vì không thỏa thuận được giá đền bù. Cùng thời điểm đó, một doanh nghiệp khác cũng xin xây một chung cư đơn lẻ ở quận Phú Nhuận và nay đã bắt đầu chào bán.

Ngoài ra, theo ông Đực, thủ tục, kinh phí, thời gian xây chung cư đơn lẻ cũng nhanh chóng, dễ dàng hơn so với dự án quy mô lớn. Chỉ cần 6 tháng là hoàn thành mọi thủ tục, 2 năm là xây xong và có thể bán thu tiền. Hạ tầng cơ sở có sẵn, lại có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất cao hơn. Ông cho biết, dự án chung cư, khu căn hộ ở các khu đô thị phải làm theo quy hoạch tổng thể nên hệ số sử dụng đất thường chỉ khoảng 2%, trong khi các chung cư đơn lẻ không phải tuân thủ yếu tố quy hoạch nên hệ số sử dụng đất có thể lên đến 6, 7 thậm chí là 8%.

Chung cư đơn lẻ còn nhanh thu hồi vốn hơn các dự án lớn vì giá vừa tầm, dễ bán. Chẳng hạn, dự án chung cư Võ Đình (Q.12) và Tecco Tower có giá bán khoảng 12 triệu đồng/m2, SHB Lilama 584 khoảng 14,5 triệu/m2...

Việc xây dựng chung cư đơn lẻ cũng không gặp bất kỳ rào cản nào về mặt pháp lý. Có chăng chỉ là đề xuất mới đây về việc thu phí làm hạ tầng đối với các dự án dạng này. Cụ thể, tháng 12.2009, Sở Xây dựng TP.HCM đã lấy ý kiến các sở ngành liên quan về nghĩa vụ tài chính đối với các dự án nhà ở có quy mô nhỏ hơn 2 ha. Theo đề xuất của Sở, do dự án quy mô nhỏ, không thể xây dựng trường học, nhà trẻ, công trình công cộng… nên chủ đầu tư phải nộp tiền để địa phương xây dựng tại các vị trí khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, loại chung cư này cũng gây nên mối lo ngại việc bộ mặt đô thị sẽ bị phá vỡ. Để phát triển các khu đô thị mới, chủ đầu tư thường phải đầu tư hạ tầng xung quanh. Còn các chung cư đơn lẻ xây chen trong khu dân cư hầu như không có. Có chăng chỉ có thêm mảng xanh, nhưng diện tích cũng rất ít ỏi. Vì vậy, cơ sở hạ tầng của khu dân cư hiện hữu sẽ phải gồng gánh thêm nhu cầu của cư dân ở chung cư mới.

Theo ông Đực, Thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp phát triển các khu đô thị ở ngoại thành để giảm tải cho các khu vực đông dân cư, khu trung tâm. Thế nhưng, làm dự án lớn thì không có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trong khi xây chung đơn lẻ cũng không vi phạm pháp luật, lợi nhuận lại không thua kém. Vậy cớ gì doanh nghiệp lại không xây chung cư đơn lẻ?

DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp Cầu Đầu Tư