Top

Chủ đầu tư chung cư bêu riếu cư dân

Cập nhật 07/01/2016 10:22

Liên quan đến mâu thuẫn ở chung cư Era Town, chủ đầu tư đã dán đơn kiến nghị gửi công an lên bảng thông báo, nêu tên một số cá nhân có hành vi vu khống chủ đầu tư.

“Sao tự dưng chủ đầu tư lại bêu tên chúng tôi? Thật vô lý! Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các gia đình bị nêu tên. Trong bảng thông báo, thông tin được Công ty Đức Khải đưa ra gần như kết luận là chúng tôi đã vu khống, xuyên tạc và nói dối… trong khi chưa có cơ quan chức năng nào kết luận…” - anh H., một người dân bị nêu tên, phản ánh với Pháp Luật TP.HCM ngày 6-1.

Bêu tên trên bảng thông báo

Chuyện bắt nguồn từ việc ngày 6-1, hàng ngàn người dân tại bảy trong số chín block ở chung cư Era Town (quận 7, TP.HCM) phát hiện bảng thông báo tại chung cư dán đơn kiến nghị của Công ty Đức Khải (chủ đầu tư chung cư Era Town) gửi đến Công an TP.HCM, UBND quận 7, Công an quận 7, Công an phường Phú Mỹ “về hành vi vu khống, xuyên tạc, nói sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của Công ty CP Đức Khải…”. Theo đơn kiến nghị, Công ty Đức Khải cho rằng hai khách hàng của mình là ông H. và bà VA đã cầm đầu cùng với tám cư dân khác vu khống, xuyên tạc, nói sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên công ty.

Đơn kiến nghị này được gửi đến khắp nơi, trong đó có các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng kèm thông tin đầy đủ của 10 người dân sinh sống trong chung cư (bao gồm họ tên, số CMND, địa chỉ).

“Phải dán cho họ biết”

Chiều 6-1, ông Phạm Ngọc Lâm, Giám đốc Công ty Đức Khải, xác nhận đã dán những đơn kiến nghị có kèm thông tin cá nhân của 10 cư dân ở chung cư. “Cái này mình dán rồi. Mình tố cáo thì mình phải dán cho mọi người cùng biết. Người ta vu khống, xuyên tạc, nói sai sự thật thì mình có quyền phản đối. Không lẽ họ nói mình ngồi yên” - ông Lâm nói.


Người dân xem bản tin có dán đơn kiến nghị của Công ty Đức Khải. Ảnh: NT

Khi được đặt vấn đề chuyện bêu riếu như trên có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vì có hàng ngàn người đọc, ông Lâm cho rằng: “Vậy tôi có làm sai đâu mà họ đi nói tôi. Người ta làm chuyện sai thì tôi phải bảo vệ tôi chứ. Tôi đang thực hiện quyền tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Tôi đã gửi đơn này đến cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi thông báo nội dung này đến công ty quản lý chung cư, công ty bảo vệ. Việc này giúp các đơn vị này có trách nhiệm giám sát, theo dõi cho tôi chứ” - ông Lâm khẳng định.

Người dân: Xúc phạm nghiêm trọng

Theo người dân sinh sống tại chung cư, họ là khách hàng đã bỏ tiền ra với mong muốn nhận được những dịch vụ tốt nhất. Thế nhưng nhiều năm qua họ phải đấu tranh với chủ đầu tư để đòi quyền lợi như phải được tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị, được minh bạch số tiền phí quản lý chung cư… Nhiều lần người dân đã tuần hành, trong đó có xảy ra xô xát ngày 3-1. Vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý nên Công ty Đức Khải không có quyền bêu riếu khách hàng như trên.

“Bảng thông báo hằng ngày có hàng ngàn người đọc, thông tin của 10 cư dân giờ ai cũng biết là xâm phạm nghiêm trọng quyền bí mật đời tư của công dân nói chung và của khách hàng nói riêng. Hơn nữa, nội dung đơn về việc cầm đầu vu khống, xuyên tạc… đã làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cũng như an toàn của các gia đình liên quan” - chị Tr., một người dân, nói.

Bêu xấu người khác là vi phạm

Hành vi trên của phía chủ đầu tư là xâm phạm đến quyền nhân thân, xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của những người bị bêu tên, được quy định tại BLDS. Khoản 2 Điều 38 BLDS quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý (trừ khi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền).

Ở đây không có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận những người trong danh sách bị bêu tên có hành vi vi phạm như họ đã mô tả. Trong khi những tranh chấp liên quan đến các bên phải được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải hoặc kiện ra tòa. Khi tòa án có kết luận cuối cùng thì có thể công bố bản án đó.

Điều 25 BLDS (về bảo vệ quyền nhân thân) cho phép cá nhân bị xâm phạm quyền nhân thân yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (nếu có) là công an hoặc UBND xã, phường nơi chung cư đó tọa lạc. Theo Điều 5 Nghị định 167/2013, hành vi dùng cử chỉ, lời nói thô bạo xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Xúc phạm người khác

- Cách đây không lâu, một siêu thị ở Nghệ An nghĩ ra cách: Bắt được người ăn trộm nào thì sẽ cho chụp ảnh dán lên tấm bảng trước cửa siêu thị và ghi rõ “Các đối tượng lấy cắp hàng hóa tại siêu thị…”. Trước việc này, lãnh đạo công an địa phương khẳng định siêu thị làm sai, kể cả về chức năng và thẩm quyền. Bởi người trong ảnh nếu có vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm tùy theo mức độ. Việc đăng ảnh sẽ làm tổn hại đến danh dự và nhân phẩm… của họ.

- Năm 2014, em N. đến một siêu thị ở Gia Lai mua đồ dùng học tập. Em N. cầm hai cuốn sách nhưng chưa trả tiền thì bị nhân viên ở đây hô lên là ăn trộm. Em bị buộc tay và bị treo một tấm bảng ghi chữ khá to “Tôi là người ăn trộm”. Sự việc bị phản ứng dữ dội và giám đốc siêu thị phải xin lỗi em…


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP