Top

Chiêu câu khách của môi giới thời địa ốc ế ẩm

Cập nhật 10/09/2012 14:40

Đang có nhu cầu mua nhà để ở, chị Hà Thanh mừng như bắt được vàng khi thấy dòng quảng cáo bắt mắt trên một diễn đàn "Chung cư CT2 Cổ Nhuế, chung cư Hoàng Quốc việt, giá 450 triệu đồng".

Trong khi giá chung cư ở Hà Nội mức giá 600 triệu đồng được coi là rẻ hiếm có trên thị trường thì dòng quảng cáo "giá 450 triệu đồng" đã kích thich trí tò mò của chị. Sau khi đọc một hồi quảng cáo dài dòng về sự chuyên nghiệp của chủ đầu tư cùng vị trí thuận lợi của dự án, chị Thanh mới ngã ngửa người khi biết giá mỗi căn hộ có giá tới 23,5 triệu đồng mỗi m2. "Hóa ra giá tiền 450 triệu đồng quảng cáo chỉ là số tiền tương ứng với tiến độ đóng 20% đợt đầu", chị Thanh bực mình nói.

Quảng cáo lập lờ này khiến nhiều thành viên bất bình. Nickname chuot_84 ngao ngán: "Em cứ tưởng 450 triệu thật, hóa ra mới được 20%, chán". Một số khác bộc lộ quan điểm "rất ghét kiểu giật tít lừa đảo này" và hình thức quảng cáo lập lờ trên diễn đàn thế này "cần loại bỏ".

Theo Sở Xây dựng, hiện có khoảng trên 200 sàn không có giao dịch thành công. Ảnh: Hoàng Lan

Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Ngọc Mai hí hửng khi đọc được dòng quảng cáo nhà ở 36 m2 tại phố Trần Khát Chân (Hà Nội) có giá 700 triệu đồng. Đến khi gọi điện hỏi vòng vèo một hồi, chủ nhà mới tiết lộ :"Nhà 3 tầng, mỗi tầng chỉ có 12 m2 và đương nhiên không có sổ đỏ". Theo chị Mai, chủ nhà đã cố tình lập lờ không nói rõ diện tích cụ thể để câu khách hàng bởi theo quy định, nhà riêng lẻ dưới 30 m2 không được cấp sổ đỏ.

Trong bối cảnh địa ốc ế ẩm như hiện nay, môi giới phải bày ra trăm mưu nghìn kế để thu hút khách hàng. Kể từ cuối tháng 4/2011, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng ở hầu hết phân khúc nên lợi nhuận môi giới giảm mạnh. Theo báo cáo tình hình hoạt động của thị trường bất động sản của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2011 đến tháng 6 năm nay, trong số 500 sàn giao dịch địa ốc, có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công, số còn lại có lượng khiêm tốn giao dịch.

Một lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, bản chất của bất động sản Việt Nam là một thị trường không hoàn hảo, môi giới là người nắm nhiều thông tin nhất. Khi các môi giới liên kết lại với nhau, họ sẽ tạo ra một mạng lưới thông tin dày đặc và dễ dàng thao túng thị trường. Theo ông, người môi giới phải đứng trung gian đảm khách quan, không cấu kết với bên nào để đảm bảo thị trường minh bạch, tuy nhiên ở Việt Nam, điều này chưa phải đã làm được.

Chị Hồ Thị Phương, làm việc tại một công ty truyền thông cho hay, chị suýt trở thành nạn nhân bị môi giới lừa. Sau khi mỏi mắt tìm kiếm trên các diễn đàn, chị ưng một căn hộ tái định cư ở Nam Trung Yên rộng 47 m2 với giá 30,5 triệu đồng mỗi m2, tuy nhiên chị đã mặc cả được xuống còn 28 triệu đồng. Sau khi gọi điện cho "cò" đất chốt thời gian, địa điểm, chị đến căn hộ xem. Bất ngờ nhất là khi đến nơi, chị bị một khách mua khác nẫng tay trên, trả đúng bằng mức giá 30,5 triệu đồng làm chị tiếc ngẩn ngơ.

"Tuy nhiên, chỉ vài hôm sau, người môi giới gọi điện lại cho tôi bảo người khách kia đã không lấy nữa và nếu có nhu cầu mua, anh ta sẽ bán lại với giá đúng bằng 30,5 triệu đồng", chị cho biết. Theo chị Phương, thực chất, việc bị nẫng tay trên chỉ là "động tác giả" mà vị khách kia là diễn viên còn môi giới đóng vai trò đạo diễn. "Họ cố tình tạo tình huống tâm lý để ép khách mua với giá cao", chị nói.
Thị trường địa ốc trầm lắng hơn một năm nay. Ảnh: Hoàng Lan.

Để kích cầu và gây sốc cho khách hàng, không ít môi giới còn trưng biển quảng cáo khống trên các diễn đàn. Đơn cử, một căn hộ ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) rao hạ giá 12% nhưng thực chất mức giá được chiết khấu là chưa tính VAT và phí bảo trì. "Thực ra giá vẫn là 17-18 triệu đồng mỗi m2 nhưng buộc phải rao xuống còn 15,3 triệu đồng để khách hàng quan tâm. Điều quan trọng là phải thu hút khách hàng quan tâm đến dự án, rồi dần dần thuyết phục họ mua sau", một môi giới tiết lộ.

Ông Lê Xuân Trường, giám đốc Công ty Bất động sản BDS cho hay, đúng là có hiện tượng một số môi giới đưa thông tin không chính xác vì mục đích tư lợi riêng. Thực chất, môi giới ở Việt Nam nhìn chung còn thiếu chuyên nghiệp và hoạt động mang tính chất chộp giật, số đông còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Trường, khách hàng cũng rất nhiều người "quái". Bản thân ông đã chứng kiến nhiều trường hợp khách hàng sau khi có được thông tin đã qua mặt môi giới để quỵt tiền.

"Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng môi giới "chỉ trỏ" một tí đã thu rất nhiều tiền mà không biết rằng để có thể có được thông tin thì môi giới cũng phải đầu tư rất nhiều chi phí, công sức", ông nói.

Mặc dù còn nhiều nhược điểm song theo ông Trường, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của môi giới bởi họ là người nắm nhiều thông tin. Bên cạnh các trường hợp nhỏ lẻ, chộp giật thì cũng đã có nhiều cá nhân, đơn vị xác định môi giới, tư vấn bất động sản là nghề nghiệp lâu dài. "Thực tế, họ vẫn nỗ lực làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn cho khách hàng và từ đó có thể phát triển nghề nghiệp vững chắc hơn. Những người này đáng được tôn trọng, bởi vậy khi đánh giá môi giới cần có một cách đánh giá công tâm", ông nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress