Mối quan hệ thâm tình, gắn bó giữa chủ đầu tư và nhà thầu trước đây giờ tan tác. Trong tình cảnh hiện nay, họ lôi nhau ra tòa bởi chủ đầu tư đang nợ đọng hàng chục tỷ đồng.
Mới đây, công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang đã chính thức gửi đơn lên Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội, kiện Công ty CP BĐS AZ. Tháng 7/2011, Long Giang ký hợp đồng thi công khoan nhồi thí nghiệm và cọc khoan nhồi đại trà thuộc dự án chung cư AZ Vân Canh với AZ Land, tổng giá trị lên tới hơn 1,8 tỷ đồng.
Đến ngày 21/8/2011, đơn vị thi công đã đóng xong 8 cọc thí nghiệm nhưng tới thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán tuy nhà thầu đã gửi công văn và làm việc trực tiếp nhiều lần.
Mặc dù giá trị hợp đồng chỉ khoảng 2 tỷ đồng nhưng theo Long Giang, việc chiếm dụng vốn đã ảnh hưởng lớn đến tình tình tài chính của công ty. Đơn vị này cũng yêu cầu trả thêm số tiền lãi hơn 200 triệu đồng do chậm thanh toán. Trong khi đó, chủ đầu tư AZ Land hiện đang gặp nhiều rắc rối với khách hàng do chậm tiến độ dự án.
Một dự án khác ở Bắc An Khánh, cuộc đối đầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu cũng xảy ra. Sau khi thi công xong hạng mục phần móng của dự án, chủ đầu tư vẫn chưa trả nợ cho nhà thầu. Nhà thầu đã rút quân khỏi dự án nhưng vẫn để lại một phần máy móc khiến cho đơn vị thi công phần thân tòa nhà không thể tiếp quản. Dự án đình trệ tiến độ, chủ đầu tư không còn tiền buông xuôi, chỉ có người mua nhà chịu thiệt thòi.
Giám đốc một nhà thầu, một trong những nhà thầu thi công nhiều dự án lớn tại Việt Nam, cho hay họ cũng đang đau đầu vì tình trạng nợ đọng kéo dài. Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn còn nợ 20 tỷ đồng chưa đòi được. Vấn đề nợ đọng kéo dài không chỉ ở các dự án nhỏ mà ngay cả các dự án lớn, chủ đầu tư có tiếng cũng chậm thanh toán. Một số chủ đầu tư còn gợi ý cho nhà thầu giảm bớt số nợ bằng việc nhận một phần bất động sản ở dự án mà chính họ thi công.
Một dự án của AZ Land
Theo vị giám đốc này, tổng số nợ chủ đầu tư nợ nhà thầu là 514 tỷ đồng, riêng năm 2012 nợ 208 tỷ đồng. Tổng số 19 công trình nhận thầu thì 10 công trình giãn tiến độ, 3 công trình đình chỉ, hoãn thi công. Công ty này cũng đang phải trả lãi ngân hàng hàng chục tỷ đồng.
Tình trạng chủ đầu tư nợ nhà thầu, nhà thầu nợ ngân hàng như một vòng luẩn quẩn, nhà thầu vừa là con nợ và là chủ nợ. Sức ép từ hai phía, nhà thầu vẫn phải "cắn răng chịu đựng" vay vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cũ, tiếp tục phải vay tiền để thực hiện các dự án mới. Nợ đọng kéo dài khiến cho nhà thầu chịu lãi ngân hàng ngày càng tăng cao, nguyên nhân trực tiếp khiến quỹ lương cho người lao động bị giảm.
Một nhà thầu tại Hà Nội có tới 60% số lao động không có việc làm, số lao động tạm chờ nghỉ việc chiếm 40%. Doanh nghiệp gần như không hoạt động. Hay một nhà thầu khác là đơn vị thuộc Nhà nước quản lý vẫn có dự án để thi công nhưng lương cán bộ công nhân viên được gộp trả theo quý, các chế độ nghỉ mát, thưởng quý bị cắt giảm.
Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng, chia sẻ, nhiều doanh nghiệp nhà thầu đang làm thủ tục phá sản. Trước đây, các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhiều nên giờ đang phải trả nợ.
Theo ông Khoa, thời kỳ cao trào, các nhà đầu thầu chuyển sang đầu tư bất động sản. Tại các nước lớn như Nhật Bản không có điều này. Thị trường bất động sản Việt Nam là một miếng ăn ngon, nhiều nhà thầu đã nhảy vào. Lúc đó, thị trường phát triển mạnh, nhà thầu chấp nhận vay ngân hàng, bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng không ít dự án sau đó đã thành bãi cỏ mọc hoang, doanh nghiệp phải trả lãi từ 19-20%/năm. Không có doanh nghiệp nào đủ khả năng trả lãi ngân hàng, dự án không bán được, khó khăn nợ đọng chồng chất. Đơn vị này gánh nợ của đơn vị kia, đến khi không gánh nổi dẫn tới phá sản. Chỉ một số ít doanh nghiệp chậm chân trong lĩnh vực bất động sản giờ lại ung dung.
Hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong hiệp hội nhà thầu cũng gặp khó khăn, đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo ông Khoa. vấn đề bức xúc của doanh nghiệp hiện nay là vốn, và nợ đọng. Hiệp hội cũng đang khảo sát các doanh nghiệp và sớm có kiến nghị một số giải pháp lên các cơ quan quản lý.
Ông Đỗ Quang Huy, một chuyên gia trong ngành xây dựng, chia sẻ, nhà thầu và chủ đầu tư trước đây vẫn gắn bó như keo sơn không chỉ trên hợp đồng kinh tế mà cả cái tình, trước đều quen nhau cả. Khi bất động sản bị khủng hoảng, những nhà thầu xây dựng, cung cấp vật tư như xi măng, sắt thép, gạch đá... cũng gặp khó khăn theo. Nhất là thói quen nợ dây dưa của các chủ đầu tư bất động sản, những năm trước đây là chuyện bình thường nhưng vào giai đoạn khủng khoảng khiến nhà thầu không kịp trở tay.
Chủ đầu tư cũng hứa hẹn bằng tình cảm và cả bằng công văn cam kết nhưng đến hẹn lại không nhận được thanh toán. Họ buộc phải ngừng thi công hay cung cấp vật liệu. Từ vị thế hoành tráng, đến nay chủ đầu tư cũng đang chạy vạy từng đồng để lo gánh nợ ngân hàng, không còn tiền trả cho nhà thầu.
Để giải quyết tình vấn đề này, ông Huy cho rằng, hai bên chủ đầu tư lẫn nhà thầu cần hết sức bình tĩnh, thông cảm cho nhau bởi khó khăn ngoài ý muốn. Việc lôi nhau ra tòa cũng chỉ là giải pháp cuối cùng bất đắc dĩ.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: