Nợ của các “ông lớn” là vấn đề thường xuyên được nhắc tới nhưng không phải ai cũng quan tâm đến sự cấp bách khi các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng sắp đến ngày đáo hạn đang đe dọa doanh nghiệp.
“Bom” nợ đáo hạn sắp nổ
Điển hình là các khoản nợ sắp đến hạn của Quốc Cường Gia Lai (QCG - Hose). Công ty bất động sản gây ồn ào với “tên tuổi” của Cường đô la - cái tên được tìm kiếm trên google nhiều hơn cả các siêu sao showbiz Việt. Tuy nhiên, khác với tên tuổi của “cậu ấm” (Cường đô la là con của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT của Quốc Cường Gia Lai), Quốc Cường Gia Lai kinh doanh bết bát như bao công ty bất động sản khác trên sàn chứng khoán.
Hiện QCG đang phải đối mặt với khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng. Sẽ là không quá lo ngại nếu khoản nợ đó không sắp đến ngày đáo hạn.
Cụ thể, QCG đang phải đối mặt với khoản nợ sắp đến ngày phải trả lên tới hơn 241 tỷ đồng. Trong đó, cuối tháng này, QCG phải trả 55,5 tỷ đồng (lãi suất 17%/năm) cho Ngân hàng liên doanh Việt - Nga - Chi nhánh Đà Nẵng. Ngày 21/7/2012, hợp đồng vay vốn 26 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh Gia Lai đáo hạn,… Tới cuối năm nay, QCG phải thanh toán 51,7 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - chi nhánh 1.
Như vậy, tới cuối năm nay, QCG phải trả nợ ngân hàng hơn 214 tỷ đồng, trong đó khoản “nóng nhất” là hai hợp đồng đáo hạn trị giá hơn 80 tỷ đồng trong tháng 6 và tháng 7/2012. Trong khi đó, tiền mặt của QCG chỉ hơn 9 tỷ đồng.
Một “con nợ khủng” thường xuyên được điểm danh trong thời gian này là Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (STL - HNX). STL khiến nhà đầu tư giật mình với khoản nợ khổng lồ với đơn vị tính bằng nghìn tỷ đồng. Nhưng sẽ còn nghiêm trọng hơn khi biết rằng “bom” nợ sắp nổ khi khoản vay ngắn hạn của STL lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính, STL không công bố thời gian đáo hạn nợ nhưng rõ ràng, trong năm nay, STL khó tránh khỏi việc phải thanh toán cả nghìn tỷ đồng. Tiền mặt của STL chỉ còn hơn 13 tỷ đồng, các khoản phải thu chỉ hơn 80 tỷ đồng. Vì vậy, dòng tiền sẵn có chẳng thấm vào đâu so với nợ phải trả.
Một công ty ngập nợ khác chính là Công ty Cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (VMD - HNX). Vay ngắn hạn và các khoản vay dài hạn đến hạn trả nợ của VMD lên tới hơn 613 tỷ đồng mà tiền mặt chỉ hơn 81 tỷ đồng.
Không chỉ đại gia ngành bất động sản và dược bị nợ “hành”, đại gia ngành tiêu dùng là Công ty Cổ phần Cà phê An Giang (AGC - Hose) cũng quay cuồng trong nợ ngắn hạn. Theo báo cáo tài chính quý I/2012, nguồn vốn chủ sở hữu cuối quý I/2012 của AGC - Hose là âm 63,67 tỷ đồng, dư nợ phải trả cuối quý I là 449,36 tỷ đồng trong đó vay, nợ ngắn hạn là 384,83 tỷ đồng.
AGC không thuyết minh cụ thể AGC đang vay, nợ ngân hàng nào nhưng trong số 353,88 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn thì có 100 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi và 253,88 tỷ đồng vay ngân hàng.
Gây xôn xao dư luận gần đây chính là khoản nợ của Tập đoàn Sông Đà. Theo kế hoạch trả nợ năm 2012, phần vốn phải trả Ngân hàng Natixis (CH Pháp) là khoảng 437 tỷ đồng. Kế hoạch vay này gồm 03 kỳ: kỳ ngày 22/6/2012, kỳ ngày 22/12/2012 và kỳ ngày 22/6/2013.
Hiện Tập đoàn Sông Đà hiện đang gặp khó khăn trong việc cân đối vốn trả nợ các ngân hàng nước ngoài do một khoản nợ lớn từ công ty thành viên – công ty cổ phần xi măng Hạ Long. Trong khi đó, gương mặt có khoản nợ “khủng” 15.600 tỷ đồng (bầu Đức giải trình là… chỉ 6.000 tỷ đồng) cũng chỉ phải đối mặt với nợ “nóng” gần 3,5 tỷ đồng.
Tháo “ngòi nổ” bằng cách nào?
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh thu của nhiều doanh nghiệp chỉ đủ trả lãi chứ chưa tính đến nợ gốc. Chính vì vậy, nhiều hợp đồng trị giá trăm tỷ đồng tới ngày đáo hạn thực sự là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài Bộ Tài chính để trả nợ Ngân hàng Natixis (CH Pháp).
Như vậy, nếu Chính phủ “gật đầu”, áp lực nợ của Tập đoàn Sông Đà sẽ nhẹ đi rất nhiều. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng “may mắn” như Tập đoàn Sông Đà. Họ phải tự thân vận động để thoát khỏi “vũng lầy” nợ nần.
Bà T, Giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội cho biết khi vay nợ, các doanh nghiệp đã có kế hoạch trả nợ. Trong đó, cách phổ biến nhất là dùng nợ “đắp” nợ. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường lấy tiền trả nợ đáo hạn. Họ thường viện cớ cần tiền cho dự án A,B,C nào đó nhưng thực chất là trả nợ ngân hàng.
Có nhiều phương án tìm kiếm dòng tiền trả nợ nhưng không dễ thực hiện.
|
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: