Top

Chậm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo - Vì sao?

Cập nhật 13/04/2018 09:46

Những ngôi nhà tầng có chiều dài, chiều rộng ước chừng 1,5-2m, hoặc có hình khối kỳ lạ không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà ở còn có thể gây mất an toàn cho chính người sinh sống. Thực tế, việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo đã được đặt ra, thực hiện từ lâu song chuyển biến còn chậm... Vì sao?

Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Tố Hữu. Ảnh: Quỳnh Anh

Hầu hết nhà siêu mỏng, siêu méo đều “mọc” tại các tuyến đường, phố hoặc ít nhất cũng ở các ngõ lớn bởi giá trị kinh tế ở vị trí mặt tiền đem lại. Do vậy, tại những tuyến đường mới mở, có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà với những hình khối lạ như các đường: Võ Chí Công đoạn ngã tư Xuân La - ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt, Đặng Tiến Đông, Hào Nam, Kim Liên - Xã Đàn, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Thanh Nhàn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Khát Chân...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại ở các tuyến mới mở trên địa bàn của 10 quận: Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên. Hiện có hai dạng nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn tại cũ và trường hợp xuất hiện sau khi các dự án giải phóng mặt bằng. Với những trường hợp cũ, tính đến hết năm 2017 còn 132 trường hợp. Đây là những trường hợp được hình thành trước ngày 15-3-2005 (Quyết định 39/QĐ-TTg hướng dẫn thi hành Điều 121 Luật Xây dựng có hiệu lực), tại các tuyến đường như: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai. Với các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án (thời điểm sau 15-3-2005), hiện còn 56 trường hợp. Được biết, Sở Xây dựng đang phối hợp với các địa phương để giải quyết 56 trường hợp này.

Theo Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, với nhóm nhà siêu mỏng, siêu méo cũ gồm 15 nhóm công trình, thửa đất không đủ điều kiện tồn tại (sau giải phóng mặt bằng giai đoạn 2005-2010). Đây là những trường hợp thuộc các dự án: Đường La Thành - Thái Hà - Láng; dự án Vành đai 1 (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa). Nhóm công trình, thửa đất không đủ điều kiện tồn tại sau giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), hiện có 15 trường hợp thuộc 3 phường: Phương Mai, Khương Thượng, Ngã Tư Sở.

Về hướng xử lý, ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, với các trường hợp tồn tại cũ, quận đang xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi toàn bộ 15 thửa này để xây dựng các công trình công cộng; dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Với các công trình siêu mỏng, siêu méo không đủ điều kiện tồn tại sau giải phóng mặt bằng tuyến Vành đai 2, UBND quận đã thông báo đến các chủ quản lý, sử dụng đất để thực hiện hợp thửa, hợp khối, bảo đảm quy định trong quản lý trật tự xây dựng.

Được biết, UBND một số quận đã có chủ trương thu hồi các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo để làm bảng tin khu dân cư hoặc các công trình công ích khác. Tuy nhiên, việc giải quyết triệt để những công trình này được thực hiện thế nào vẫn đang là câu hỏi. Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh thanh tra Sở Xây dựng cho biết, Sở vừa phối hợp với liên ngành trình thành phố phương án xử lý dứt điểm các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn. Hiện thành phố đang xem xét và sẽ cho ý kiến cụ thể.

Tuy nhiên, cũng theo Chánh thanh tra Sở Xây dựng, các cấp chính quyền địa phương và lực lượng thanh tra xây dựng vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả công trình xây dựng từ khi khởi công đến khi hoàn thành để không phát sinh mới nhà “siêu mỏng siêu méo”, đồng thời từng bước giải quyết những vi phạm cũ.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới