Top

Chấm dứt tình trạng “xí đất” rồi chuyển nhượng

Cập nhật 22/05/2018 11:10

Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi được giao đất đã không triển khai dự án theo quy định mà chuyển nhượng lòng vòng, hoặc do thiếu năng lực nên không thực hiện dự án. Một số DN khác thì không thể triển khai do vướng đền bù giải tỏa…

Tại cuộc họp với các sở ngành mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải rà soát tất cả các dự án nói trên để xử lý dứt điểm.

Trả lại quyền lợi cho dân

Năm 2007, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 của khu đô thị An Phú Hưng (xã Tân Hiệp và xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), quy mô quy hoạch là 665ha. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư - Tổng công ty An Phú - thực hiện công tác đền bù rất chậm; 5 năm sau quy hoạch được duyệt, chỉ bồi thường được khoảng 2,7% dự án.

Dự án là “tâm điểm” của người dân Hóc Môn về quy hoạch treo, bà con liên tục phản ánh đến các cấp chính quyền về tình trạng quy hoạch nhưng không triển khai khiến quyền lợi người dân bị treo.

Hầu hết đất trong dự án thuộc đất nông nghiệp, dự án treo nhiều năm, người dân không được canh tác khiến đất đai hoang hóa, rất lãng phí. Đến năm 2016, UBND TPHCM ban hành quyết định hủy bỏ quyết định tạm giao đất cho Tổng công ty An Phú và xóa quy hoạch “treo” cho gần 700ha tại huyện Hóc Môn.

Một dự án tại Hóc Môn vừa được “thoát treo”

Tại buổi giám sát thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và tình hình công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đề xuất một phương án mới: nếu quy hoạch thực hiện được thì tổ chức làm đến nơi đến chốn, còn không thì “trả lại” cho người dân.

Theo báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch các khu chức năng đô thị trên địa bàn TP, nhiều người đã phải “giật mình” vì tiến độ cũng như tính khả thi của những dự án “khủng”.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án mặc dù đã bị cơ quan chức năng thu hồi chủ trương đầu tư nhưng quy hoạch treo vẫn còn lơ lửng, không phải chỗ nào cũng may mắn như người dân trong khu dự án An Phú Hưng nói trên.

Thu hồi dự án chuyển nhượng lòng vòng

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nêu một thực trạng nhức nhối, hiện nay trên địa bàn TP có nhiều dự án nhà ở sau khi có được pháp lý chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo quy định, mà chuyển nhượng.

Toàn TP có khoảng 500 dự án trong tình trạng này, trong đó huyện Nhà Bè nhiều nhất với 85 dự án.

“Tình trạng trên dẫn đến hệ lụy là hạ tầng không được đầu tư, cỏ mọc um tùm, người dân bức xúc”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Sở Xây dựng rà soát lại từng dự án, trước mắt tập trung làm trước các dự án tại huyện Nhà Bè để xử lý dứt điểm tình trạng trên, dự án nào không triển khai, chậm triển khai phải thu hồi.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất kinh doanh, phúc lợi công cộng đang thực hiện trên địa bàn TP là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930ha.

Đến nay, UBND TPHCM đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915ha và điều chỉnh quy mô của 10 dự án giảm 33,8ha. UBND TP đã giao các cơ quan liên quan tiến hành công khai thông tin xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, rà soát nguồn gốc đất để tiến hành cấp giấy chủ quyền, giấy phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trong thời gian qua, lãnh đạo TP rất kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai và dự án không khả thi, bằng cách thu hồi chủ trương đầu tư, hủy quyết định giao đất cho DN… Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng này vẫn còn khá nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, TP cần kiên quyết hơn nữa, bởi có nhiều dự án kéo dài nhiều năm không triển khai, nhưng khi chủ đầu tư xin gia hạn thời gian để thực hiện công tác đền bù  thì vẫn được chấp nhận.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết sau khi UBND TP ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư khu đô thị An Phú Hưng, huyện đã thông báo cho người dân biết về việc hủy quy hoạch. Người dân có đất trong dự án được thực hiện đầy đủ các quyền xây dựng, sửa chữa nhà cửa, chuyển nhượng… theo quy định của pháp luật. 



DiaOcOnline.vn  Theo SGĐT