Nên chăng quy định theo hướng vượt ngưỡng nào đó mới phải xin ý kiến. Trận địa quân sự: Công khai hay không?
“Thay vì công trình cao trên 45 m (tương đương 12 tầng) là phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng, hiện nay nhiều công trình cao hơn thế các cơ quan cấp phép vẫn có thể giải quyết luôn”. Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP) Trần Quốc Tuấn cho biết như trên trong cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện và cơ quan quân đội liên quan về quản lý bề mặt giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tổ chức ngày 8-4.
Sân bay Tân Sơn Nhất: Đã xác định rõ
Ông Bùi Hồng Hà, phòng Pháp chế Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), cho hay phạm vi ảnh hưởng của sân bay có bán kính 30 km nên gần như bao trùm hết TP. Theo quy định, những trường hợp cao hơn mức an toàn (hơn 45 m trở lên) đều phải hỏi ý kiến của Bộ Quốc phòng để bảo đảm an toàn tĩnh không. “Có trường hợp nhà này vừa hỏi ý kiến xong, nhà kế bên xây bằng như vậy cũng phải hỏi tiếp, nếu không sẽ vi phạm thủ tục” - ông Hà nói. Một đại biểu tham dự cho hay có trường hợp phải chờ hai, ba tháng mới lấy được ý kiến.
Hiện nay, các chủ đầu tư đã dễ thở hơn vì ngày 31-12-2009, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã có văn bản số 1997 thông báo giới hạn độ cao tối đa của các chướng ngại vật (như các công trình cao tầng) đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Văn bản đính kèm phụ lục bản đồ và sơ đồ cụ thể khu vực nào được cao tối đa là bao nhiêu mà không ảnh hưởng đến an toàn tĩnh không của sân bay.
Hiện nay, các chủ đầu tư dễ thở hơn khi đã có văn bản xác định an toàn tĩnh không của sân bay. Ảnh: HTD |
“Văn bản xác định những khu vực cho phép công trình được cao tối đa đến 70 m hoặc dưới 100 m (như quận 1, quận 4, quận 5), cơ quan cấp phép được giải quyết luôn. Nhờ đó đã giảm được rất nhiều trường hợp phải hỏi ý kiến Bộ Quốc phòng” - Trưởng phòng Cấp phép xây dựng Trần Quốc Tuấn cho biết.
Trận địa quân sự: Công khai hay không?
“Về sân bay Tân Sơn Nhất như vậy đã ổn nhưng còn cứ điểm quân sự xung quanh TP thì sao? Cơ quan cấp phép, đơn vị tư vấn lập quy hoạch lẫn chủ đầu tư hoàn toàn không biết gì về an toàn tĩnh không các trận địa tên lửa, rađa… trên địa bàn nên nhiều khi lập quy hoạch gần xong mới biết vướng, phải điều chỉnh, rất mất thời gian và chi phí” - ông Hà đặt vấn đề. Đại diện Sở Xây dựng góp ý thêm, nếu không cung cấp địa chỉ cụ thể thì các đơn vị quân đội có thể cho biết phạm vi hoặc bán kính các địa điểm này hay không.
Đại diện Sư đoàn Không quân 370 cho biết độ cao của các công trình không bị phụ thuộc vào các sân bay nhỏ xung quanh TP. Tuy nhiên, đại diện Sư đoàn Phòng không 367 cho hay không thể đáp ứng việc công khai các trận địa do vi phạm vấn đề bảo vệ an ninh quốc phòng. Thay vào đó chỉ có thể cung cấp đến mức độ xã, phường nào có các trận địa này.
Theo Sở QHKT, vướng mắc này giống như câu chuyện con gà và quả trứng cái nào có trước. “Một bên cho rằng phải xác định trước những địa điểm ảnh hưởng cần lưu ý rồi mới lập quy hoạch; một bên thì đề nghị lập quy hoạch trước rồi mới có ý kiến chỗ nào phải giới hạn” - ông Hà nhận xét. Đại diện Sở Tư pháp cho hay Nghị định 20/2009 đã nêu rõ: Bộ Quốc phòng có trách nhiệm công khai bề mặt giới hạn các chướng ngại vật sân bay và các khu vực giới hạn độ cao công trình. Do đó, đề nghị của Sở QHKT và Sở Xây dựng là có cơ sở.
“Chúng tôi mong muốn quy hoạch an ninh quốc phòng giống như cái lồng bàn úp lên địa bàn. Mọi công trình nằm dưới lồng bàn thì cứ thế mà làm, khi nào xây vượt thì mới phải hỏi ý kiến. Hiện nay do không có cái “lồng bàn” này nên gần 500 đồ án quy hoạch của TP đều phải hỏi ý kiến từng trường hợp một về độ cao tối đa” - ông Hà bày tỏ. Ông cho biết thêm Sở QHKT sẽ tập hợp ý kiến các cơ quan, quận, huyện về những vướng mắc trên để báo cáo UBND TP.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: