Top

Cấp phép dự án du lịch, nghỉ dưỡng giảm mạnh, giao dịch condotel bám đáy

Cập nhật 17/11/2020 10:55

Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, số dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với quý II năm nay.

Trong quý III/2020, số dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể

Đây là thông tin vừa được Bộ Xây dựng công bố trong báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2020. Theo tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu, trong quý III có 49 dự án du lịch nghỉ dưỡng với hơn 3.770 căn hộ du lịch (condotel), 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) được cấp phép; 94 dự án với hơn 18.800 căn hộ condotel và 6.089 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 23 dự án với 68 căn hộ condotel, 375 biệt thự du lịch và 1 căn officetel hoàn thành.

Đánh giá từ Bộ Xây dựng, số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với quý II/2020. Đặc biệt tại miền Nam, trong quý III, theo tổng hợp từ các địa phương, không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép, đang triển khai hay được hoàn thành so với quý II/2020 ở miền Nam, có 78 dự án được cấp phép và chỉ tập chung tại Kiên Giang.

Bộ Xây dựng cũng cho biết trong quý III vừa qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) không thẩm định căn hộ condotel, officetel, biệt thự du lịch nào. Trong khi đó số lượng căn nhà ở được thẩm định cũng giảm mạnh. Cụ thể, căn nhà ở được thẩm định là 3.471 căn (chỉ bằng khoảng 5,7% so với quý II/2020).

Về giao dịch tại phân khúc bất động sản du lịch cũng không mấy sủa. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Thống kê cho thấy có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.

Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận,… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Theo đánh giá của đơn vị này có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường condotel. Trong đó, khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tiếp đó, vẫn còn đó những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, trước tình trạng lao đao của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều khách hàng bắt đầu lo lắng, chùn tay trong giao dịch, thậm chí đua nhau cắt lỗ, tháo chạy.

Kiến nghị tạm dừng cấp phép dự án condotel

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư, trước mắt tạm dừng cấp phép dự án condotel khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện.

Đánh giá về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ thành đất ở không hình thành đơn vị ở tại một số dự án, TTCP cho biết, loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel tại tỉnh Khánh Hòa gọi là "đất ở không hình thành đơn vị ở" đã và đang phát triển ngày càng mạnh tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú...

Từ đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất ở không hình thành đơn vị ở (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ condotel) tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác, theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ.

Bên cạnh đó, không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh; không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư và có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.

TTCP kiến nghị, trước mắt, tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết cụ thể vấn đề condotel trên toàn quốc.

Đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và bộ ngành liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi Điều 13 của Nghị định số 43/2014/NĐCP theo hướng đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với công tác an ninh, quốc phòng đối với các dự án có sử dụng đất tại biển, đảo phù hợp với qui định của Luật Đất đai năm 2013.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng đưa ra đề xuất trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch. Không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet