Thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong quý III/2020, cả nước có 49 dự án du lịch nghỉ dưỡng mới, trong đó tại miền Nam không ghi nhận thêm dự án cấp phép mới hay hoàn thành.
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng khu vực miền Nam sụt giảm nghiêm trọng, thị trường tiếp tục đóng băng
Cụ thể, cả miền Bắc có 5 dự án với 332 căn hộ du lịch, 21 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. 3 dự án với 160 căn hộ du lịch, 24 biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng. So với quý trước, số lượng dự án được cấp phép mới đã giảm 1 dự án, số lượng dự án đang triển khai giảm 6 dự án và số lượng dự án đang hoàn thành giảm 1 dự án.
Tại miền Trung, số lượng dự án nghỉ dưỡng được cấp phép trong quý III là 44 dự án (tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Khánh Hòa), tăng 37 dự án so với quý trước. Số lượng dự án đang triển khai tăng 9 dự án, số lượng dự án hoàn thành tăng 12 dự án (gấp 2 lần). Trong khi đó, tại miền Nam quý vừa rồi không ghi nhận thêm dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép hay hoàn thành.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hiện tại, cả nước có 94 dự án với 18.812 căn hộ du lịch và hơn 6.000 biệt thự du lịch đang được triển khai xây dựng, trong đó có 23 dự án đã hoàn thành. Số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép mới giảm 46,7% so với quý trước.
Trước đó, báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, nhìn chung 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch (condotel) mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.
Nguyên nhân được VARs lý giải đó là do khung pháp lí cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Bên cạnh đó tác động của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khách hàng và nhà đầu tư vẫn còn tâm lí e ngại, mất niềm tin vào loại hình này bởi sự phá vỡ cam kết lợi nhuận ở một số dự án.
Chưa kể thời gian qua, các cơ quan Bộ ngành đã có nhiều tranh luận liên quan đến việc phát triển thêm và hành lang pháp lý cho condotel. Trong đó, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương “không phát triển thêm dự án condotel, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở” và thể hiện sự lo ngại về tính pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Nhiều tranh cãi liên quan đến việc nên hay không tiếp tục cấp phép dự án condotel (ảnh: dự án The Arena)
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có “căn hộ lưu trú (condotel)”. Đầu tháng 8/2020, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.
Đầu năm 2020, Bộ TN&MT cũng có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu. Đây được kỳ vọng là "giấy khai sinh" cho loại hình condotel.
Tuy nhiên, các văn bản trên vẫn chưa đủ lực tác động để gỡ rối cho condotel. Nguyên do là bởi pháp luật chưa nêu phần sở hữu riêng/chung của dự án condotel để làm căn cứ cấp sổ.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: