Top

Doanh nghiệp bất động sản hết thời ồ ạt phát hành trái phiếu

Cập nhật 12/11/2020 13:50

Hiện nay, sức hút trái phiếu đã nguội dần nên các doanh nghiệp bất động sản cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần hạ nhiệt

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn quan trọng, góp phần giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 9.2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 13% GDP năm 2019 (tăng 2,15% so với mức GDP thời điểm cuối năm 2019), vượt mục tiêu đề ra.

Ông Dương nói rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu để mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính liên tục có những thông tin khuyến nghị, cảnh báo đối với tất cả đối tượng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vì dòng vốn đổ vào phân khúc này tăng mạnh.

Thậm chí, một số nhà đầu tư cá nhân là người về hưu cũng dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vì lãi suất cao nhưng ít quan tâm đến hiệu quả dự án, doanh nghiệp phát hành. Do đó, cơ quan quản lý đã sửa đổi các quy định nhằm quản lý, giám sát thị trường không quá biến động, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể, quy định mới có hiệu lực từ 1.1.2021 chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, Nghị định 81 có hiệu lực từ 1.9.2020 cũng siết điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Được biết, trước thời điểm 1.9, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng đột biến trong tháng 8 với khoảng 89.000 tỉ đồng, bằng 30% tổng khối lượng trong 7 tháng đầu năm 2020.

Thế nhưng, qua tháng 9 và thống kê sơ bộ đến tháng 10, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường giảm mạnh. Số liệu của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho biết khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 10 tiếp tục suy giảm, với tổng giá trị đạt 8,7 nghìn tỉ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm tới 90% so với tháng cao điểm là tháng 8.

Ở tháng này, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành trái phiếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn và trung hạn, trải dài từ 1 – 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm giá trị nhiều nhất (3.470 tỉ đồng, chiếm 39,6% tổng giá trị phát hành). Kỳ hạn phát hành bình quân trong tháng 10 là 4,75 năm, tăng mạnh so với tháng 9 (3,7 năm).

Trong tháng 10, nhóm ngân hàng và bất động sản là 2 tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 72,7% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nhóm ngân hàng phát hành thành công đạt hơn 3.000 tỉ đồng, còn bất động sản là 3.345 tỉ đồng.

“Các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng khi nghị định 81/2020 siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm hiện chỉ ở mức 6,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2020 (8 – 10%) nên dư địa để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới vẫn còn tương đối nhiều.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó có thể chuyển hướng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng do vướng điều kiện ở Thông tư 75/2004/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong đó, điều kiện vướng mắt nhất là yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi trong năm liền trước năm đăng ký phát hành và đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký phát hành”, KBSV nhìn nhận.

DiaOcOnline.vn – Theo Một thế giới