Top

Cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất: ách tắc vì quy định mới

Cập nhật 07/08/2015 12:34

Từ 1-7-2015, theo Luật đất đai năm 2013, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện trở thành các chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM.

Quá trình chuyển đổi này khiến việc giải quyết hồ sơ, cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất của người dân bị ách tắc.


Người dân liên hệ nhận kết quả giải quyết hồ sơ nhà, đất tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: Quang Định

Anh Tài - người dân ở P.8, Q.Gò Vấp - cho biết ngày 30-6-2015, vợ chồng anh nộp hồ sơ đăng bộ và đề nghị cấp giấy chứng nhận căn nhà mới mua, biên nhận hồ sơ hẹn ngày 15-7 đến nhận kết quả.

Từ ngày hẹn đến nay, anh Tài đã đến UBND Q.Gò Vấp năm lần nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Lần cuối cùng, nhân viên trả hồ sơ xin số điện thoại, hứa sẽ gọi cho anh khi có kết quả.

Nhiều hồ sơ trễ hẹn

Tương tự, anh Toàn Thắng (P.14, Q.Gò Vấp) nộp hồ sơ xin đổi giấy chứng nhận từ chủ cũ sang tên anh từ cuối tháng 6-2015 và được hẹn thông báo kết quả vào ngày 7-7, nhưng đến nay trễ hẹn cả tháng mà anh vẫn chưa được trả giấy chứng nhận.

Ghi nhận của chúng tôi tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở UBND Q.Gò Vấp vào một buổi sáng, có khoảng 10 người dân đến nhận kết quả theo hẹn thì chỉ có một người nhận được giấy chứng nhận. Số còn lại được nhân viên trả kết quả ghi lại số điện thoại và hẹn sẽ gọi sau.

Tại Q.Bình Thạnh, những hồ sơ xin cập nhật tên trên trang sau của giấy chứng nhận được trả đúng hẹn. Nhưng khi người dân đem biên nhận hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận đến hỏi thăm thì lại về không vì chưa có kết quả. Đại diện chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐK) Q.Bình Thạnh cho biết đã ký nhiều thư xin lỗi người dân bên cạnh báo tin bằng điện thoại về việc chậm trả kết quả theo hẹn.

Trong thư xin lỗi, chi nhánh VPĐK Q.Bình Thạnh chỉ hứa sẽ thông tin cho người dân trong thời gian sớm nhất, chứ không thể hứa với dân thời điểm trả hồ sơ cụ thể. Những trường hợp nào người dân quá cần hoặc bức xúc thì chi nhánh VPĐK Q.Bình Thạnh báo cáo để VPĐK TP rút hồ sơ giải quyết nhanh.

Nguyên nhân chậm do các hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận phải chuyển về VPĐK TP để nơi đây trình Sở Tài nguyên - môi trường ký cấp giấy. Những hồ sơ bị trễ hẹn trả cho người dân vì 
VPĐK TP chưa trả về.

Đại diện chi nhánh VPĐK Q.Bình Thạnh cho biết trong tháng 7, quận đã chuyển VPĐK TP khoảng 400 hồ sơ nhưng đến nay mới chỉ nhận kết quả được phân nửa. Chi nhánh VPĐK một quận nội thành khác cho biết từ ngày 1-7 đến nay đã chuyển khoảng 150 hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận đến VPĐK TP, nhưng tới ngày 5-8 chỉ nhận lại được gần 40 giấy chứng nhận...

Chậm vì mô hình mới

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc VPĐK TP, thừa nhận việc giải quyết hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận trong tháng 7 có chậm. Theo ước tính, chi nhánh VPĐK ở 24 quận, huyện chuyển khoảng 9.000 hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận cho VPĐK TP mỗi tháng.

Ông Liên cho biết đầu tháng 7, TP.HCM triển khai mô hình VPĐK một cấp theo Luật đất đai năm 2013. Trước đây, ngoài Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP (nay là Văn phòng đăng ký đất đai TP thuộc Sở Tài nguyên - môi trường TP) thì mỗi quận, huyện còn có một văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc phòng tài nguyên - môi trường các quận, huyện). UBND quận sẽ ký cấp toàn bộ các loại giấy chứng nhận cho người dân trong quận, huyện của mình.

Theo Luật đất đai năm 2013, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của quận, huyện chuyển thành chi nhánh của VPĐK TP. Tất cả những trường hợp cấp giấy chứng nhận không phải lần đầu (cấp giấy chứng nhận cho chủ mới sau khi mua bán, hoặc giấy cũ bị mất, bị hư hỏng...) sẽ do Sở Tài nguyên - môi trường TP ký cấp. Những loại hồ sơ này sẽ được chuyển từ các chi nhánh VPĐK về VPĐK TP và chuyển cho Sở Tài nguyên - môi trường ký. Giấy chứng nhận sau khi ký sẽ chuyển về VPĐK TP rồi về các chi nhánh VPĐK để trả cho dân.

“Vì giai đoạn đầu thực hiện quy trình mới, các khâu còn lạ lẫm nên việc chuyển hồ sơ và xử lý từ VPĐK TP và Sở Tài nguyên - môi trường chưa nhuần nhuyễn, hồ sơ giải quyết cho dân còn chậm. Hơn nữa, lượng hồ sơ xin cấp đổi giấy chứng nhận sau khi chuyển nhượng khá nhiều nên các lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường giải quyết chậm” - ông Liên nói.

Theo ông Liên, Sở Tài nguyên - môi trường và VPĐK TP đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm ách tắc cho người dân trong giai đoạn chuyển tiếp.

Các chi nhánh VPĐK thuyết phục người dân cập nhật trên trang sau của giấy chứng nhận sau khi bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thay vì đề nghị cấp giấy chứng nhận mới.

Việc cấp giấy chứng nhận mới và ghi nhận việc mua bán trên trang sau của giấy chứng nhận cũ có giá trị pháp lý như nhau.

Trường hợp người dân cần có giấy chứng nhận gấp để làm thủ tục vay ngân hàng hoặc tiếp tục thực hiện những thủ tục khác thì các chi nhánh VPĐK báo cáo để VPĐK TP giải quyết sớm, tránh gây bức 
xúc cho người dân.

Tranh cãi về thẩm quyền

Ngày 5-8, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM ký công văn gửi UBND các quận, huyện phân định thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận trong một số trường hợp.

Trường hợp hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận có tăng thêm diện tích đất ngoài diện tích ghi trên giấy chứng nhận cũ và hồ sơ tách thửa đất thì do UBND các quận, huyện ký cấp.

Tuy nhiên, một số quận, huyện cho biết cách phân định thẩm quyền như trên không phù hợp vì các văn bản pháp luật đã quy định UBND quận, huyện chỉ cấp giấy chứng nhận lần đầu. Hai trường hợp trên đều là những biến động sau khi cấp giấy, VPĐK TP phải thực hiện cập nhật.

Một số chi nhánh VPĐK cho biết trong tháng 7, hai loại hồ sơ trên phải ngưng giải quyết vì chưa biết sẽ trình Sở Tài nguyên - môi trường hay UBND các quận, huyện.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ