Top

Cao tốc hơn 20.000 tỷ đồng bị lún: Chủ đầu tư nói gì?

Cập nhật 12/05/2014 13:24

Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam hứa sẽ kiên quyết yêu cầu các nhà thầu, giám sát khắc phục các vết sụt lún của cao tốc TP.HCM – Long Thành– Dầu Giây.

Ngay sau khi Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước kết luận về những khuyếm khuyết của đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, thay mặt Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư công trình), ông Đỗ Chí Trung – Chánh văn phòng đã khẳng định, các vết sụt lún của đường cao tốc này sẽ sớm được khắc phục.

VEC cho biết, do công tác giám sát trong thi công còn nhiều hạn chế, nên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng nói.

Cụ thể, các vết nứt, về mặt bê tông bị rỗ chỉ xuất hiện ở một số vị trí trên bề mặt đường cao tốc, do hiện tượng co ngót của bê tông, hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chất lượng của công trình.

Để khắc phục vấn đề này, đảm bảo chống thấm và mỹ quan của công trình, VEC đã yêu cầu nhà thầu tiến hành vệ sinh, mài sửa bề mặt, xử lý chống thấm bằng keo Sikadur tại các vết nứt.


Chỉ mới đưa vào sử dụng có vài tháng, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện nhiều vết sụt lún.

Với gói thầu 5A đang thi công, VEC cho rằng do xung quanh gói thầu này không có mỏ vật liệu với trữ liệu lớn, chất lượng đồng đều, nên phải sử dụng mỏ đất quy mô nhỏ, dễ dẫn tới vật liệu của các mỏ không đồng nhất, cục bộ.

VEC đã chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu phải cương quyết kiểm tra chất lượng vật liệu khi đưa vào sử dụng tại công trình. Nếu vật liệu nào không đảm bảo yêu cầu, chất lượng thì chắc chắn phải loại bỏ.

Nói về hiện tượng mặt đường bị lún từ 3 đến 5cm tại gói thầu số 3, chủ đầu tư giải thích đây là khu vực có địa chất phức tạp, nằm tiếp giáp giữa hai khu vực xử lý có nền đất yếu bằng hai phương pháp khác nhau, nhưng độ lún này vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.

Hiện các đơn vị có liên quan đang quan trắc để theo dõi độ lún để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác. Đây là gói thầu đang trong giai đoạn bảo hành, nên kinh phí sửa chữa phải do nhà thầu chịu trách nhiệm.

Được chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2014 sau hơn 4 năm thi công, đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55km với 4 làn xe. Tốc độ thiết kế đạt 120km/h. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 20.630 tỷ đồng.

Dự án này được coi là một trong những đường cao tốc có tổng vốn đầu tư cao nhất Việt Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất đất nước là TP.HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News