Top

Cẩn trọng những dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên giấy

Cập nhật 16/12/2016 16:34

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều hình thái mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần phải rất cẩn trọng với những hình thái mới này, đặc biệt khi những dự án này chào bán lúc vẫn còn trên "giấy".

Phối cảnh hoành trang của Dự án Alma, nhưng dự án này hiện vẫn chỉ nằm trên giấy dù đã thu tiền của khách 2 năm nay

Sự phục hồi của thị trường trong 2 năm qua, cũng kéo theo nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 của các hộ gia đình Việt Nam ngày càng cao, do xu hướng tích lũy đang dần chuyển sang nhu cầu đầu tư.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đặc biệt sôi động, thu hút lượng nhà đầu tư rất lớn từ Hà Nội, TP.HCM và Việt kiều. Dòng tiền rót vào loại hình bất động sản này tăng khá mạnh.

Điển hình cho sự sôi động của bất động sản nghỉ dưỡng thời gian vừa qua là Phú Quốc, khi huyện đảo này trở thành nơi so găng của hàng loạt đại gia địa ốc với các dự án lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không phải dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào cũng có thể mang lại giá trị sinh lời dài hạn.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có những chủ đầu tư chuyên nghiệp, nhưng cũng có nhiều chủ đầu tư nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm, nhưng đưa ra cam két lợi nhuận cao, khiến người mua rút ra không được. Độ rủi ro này cũng gần giống như mua nhà trên giấy và làm cho người tiêu dùng nhiều khi lỡ làng, không biết phải giải quyết tiền mình đã đầu tư như thế nào khi khả năng triển khai dự án của chủ đầu tư bị bỏ ngỏ.

Theo khảo sát của Đầu tư Bất động sản, bên cạnh những dự án do các chủ đầu tư có uy tín như Vingroup, FLC, Sun Group, C.E.O, BIM Group đã triển khai, đi vào hoạt động, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, thì hiện nay, tồn tại khá nhiều dự án làm cho khách hàng rơi vào tình trạng "sống dở chết dở”.

Chẳng hạn như trường hợp tại Dự án Alma (Khu Du lịch Bắc Bán Đảo Cam Ranh, Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) do của Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường triển khai. Được chính thức giới thiệu ra thị trường từ năm 2014, dự án triển khai theo hình thức chia sẻ kỳ nghỉ hay mua kỳ nghỉ trong một khoảng thời gian cố định trong năm và thu hút sự quan tâm khá đông nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau 2 năm, không hiểu vì lý do gì, Dự án Alma gần như bặt vô âm tín, các thông tin liên quan đến đến tiến độ, cũng như khả năng triển khai dự án đều không thấy xuất hiện. Điều này gần như trái ngược hoàn toàn với nhiều dự án nghỉ dưỡng khác đang chào bán trên thị trường.

Điều đáng nói, hồi tháng 8/2016, chủ đầu tư của dự án này bị "tố" lừa đảo, vì bản hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mà Công ty Vịnh Thiên Đường ký với khách hàng có những điều khoản vô lý, khiến khách hàng "mắc cạn", như việc cấm khách hàng khiếu kiện, cấm khách hàng thông tin ra báo chí…

Để làm rõ hơn câu chuyện, nhiều lần phóng viên gọi điện liên lạc với số hotline trên trang chủ Alma.vn, nhưng không ai bắt máy. Đến khi nghe máy, nhân viên cho biết, sẽ chuyển số sang cho phòng marketing, nhưng sau đó không có tín hiệu phản hồi.

Câu chuyện của Alma không chỉ là đơn lẻ, mà có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng khác hiện cũng rơi vào tình trạng này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết, thực tế, cam kết lợi nhuận khủng ngoài yếu tố sẵn có như vị trí đắc địa, thiết kế hiện đại, trang bị đẳng cấp, thì nhất thiết còn phải phụ thuộc vào khả năng vận hành của chủ đầu tư và công ty quản lý.

Sự bùng nổ của bất động sản nghỉ dưỡng kéo theo sự vào cuộc rất nhanh của các doanh nghiệp địa ốc, trong đó có cả những doanh nghiệp theo kiểu "tay không bắt giặc", dự án chưa có quy hoạch, chưa có giấy phép, nhưng chủ đầu tư đã quảng cáo ra thị trường với đưa ra cam kết khủng để lôi kéo khách hàng. Nếu khách hàng không để ý, sẽ rất dễ rơi vào bẫy cam kết khủng do các chủ đầu tư đưa ra.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản