Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay TP.HCM có 126 dự án nhà ở bị ách tắc. Nếu mỗi dự án có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng thì tổng vốn đầu tư lên đến 126.000 tỉ đồng.
Thị trường bất động sản bị ách tắc vì luật - Ảnh: Phan Diệu
Ông Châu cho rằng việc ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng vừa gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, vừa làm giảm nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trên thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho người mua nhà, tác động đến nhiều ngành kinh tế, vừa làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, việc gỡ khó cho các dự án ách tắc là cần thiết để sớm khai thông thị trường bất động sản phía nam. Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA nhận thấy quy định về lựa chọn nhà đầu tư (chủ đầu tư) thực hiện dự án đầu tư của dự thảo Luật Đầu tư cần được làm rõ hơn, để công tác thực thi pháp luật được thống nhất, đồng bộ với các luật chuyên ngành.
Ông Châu nói rằng Luật Đầu tư sử dụng khái niệm nhà đầu tư, trong lúc các luật khác sử dụng khái niệm chủ đầu tư. HoREA đề nghị bổ sung cụm từ nhà đầu tư (chủ đầu tư) vào điều 30: “chấp thuận chủ trương đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư (chủ đầu tư) thực hiện dự án” của dự thảo Luật Đầu tư.
HoREA cũng kiến nghị chấp thuận chủ trương đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có dự án nhà ở. Điều này tác động rất lớn đến quá trình khơi thông cho các dự án bị ách tắc thời gian qua.
Trong khi đó, liên quan đến quy định dự án nhà ở phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư theo quy định Luật Nhà ở, ông Châu cho biết trên thực tế, dự án nhà ở thường có quỹ đất hỗn hợp. Con số phổ biến thường là khoảng 10% đất ở, 80% đất nông nghiệp, 10% đất rạch, đường, bờ đất, kênh mương nội đồng do Nhà nước quản lý. Ngay cả dự án nhà ở trong các quận nội thành, có xen cài đường hẻm thì cũng không thể đạt chuẩn 100% đất ở do doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vì vậy, Hiệp hội rất hoan nghênh khoản (3.a) điều 30 dự thảo Luật Đầu tư vì sẽ giải quyết được ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, khai thông được “điểm nghẽn” về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở.
Thế nhưng, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, HoREA đề nghị bổ sung nội dung “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hoặc “đất ở và các loại đất khác”) theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”.
Ngoài ra, HoREA còn cho biết hiện nay các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng bởi quy định chỉ có “chủ đầu tư” mới được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, theo quy định tại khoản 7 điều 19 Luật Quy hoạch đô thị. Do “xung đột” pháp luật này mà Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc một số địa phương không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của nhà đầu tư, mặc dù UBND cấp tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dẫn đến doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục hành chính để triển khai dự án.
Do đó, để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm chủ thể “nhà đầu tư” trong Luật Đầu tư. “Chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư để thống nhất với khoản 4 Điều 30 Luật Quy hoạch đô thị và phù hợp với các quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư", ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Motthegioi
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: