Top

Cần mở rộng diện được cấp chứng nhận nhà, đất

Cập nhật 27/05/2008 08:00

Từ thực tiễn quản lý, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý sửa đổi nhiều điểm của Luật Đất đai 2003.

Thống nhất một đầu mối

Với quan điểm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ra chỉ là biểu hiện của việc Nhà nước công nhận việc sử dụng đất, UBND TP.HCM cho rằng vấn đề đăng ký vào sổ mới là quan trọng nhất và không nên vì quá nôn nóng đạt kết quả cấp giấy chứng nhận mà pháp luật đất đai đưa ra các quy định "quá mở", để hợp pháp hóa các hành vi làm trái pháp luật.

UBND TP.HCM cũng đề nghị nên thống nhất quy định chỉ cấp một giấy chứng nhận; thống nhất một đầu mối cơ quan thụ lý giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống nhất chỉ sử dụng 1 hệ thống sổ bộ nhà, đất; xây dựng quy trình đăng ký biến động bảo đảm tính thống nhất trong việc thành lập, khai thác sử dụng một sổ bộ thống nhất.

Về đối tượng được cấp giấy chứng nhận, theo UBND TP.HCM, hiện nay đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, số lượng người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam ngày càng nhiều, nhu cầu về nhà ở của họ hiện nay rất lớn, nhưng quy định về việc cấp giấy chứng nhận cho đối tượng này vẫn còn hạn chế. Do đó, cần mở rộng đối tượng thông qua điều chỉnh Luật Đất đai.

Xem lại quy định ban hành giá đất hằng năm

Góp ý về giá đất, UBND TP.HCM cho rằng quy định tại Khoản 4, Điều 5 của Luật Đất đai: "Giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định được công bố công khai vào ngày 1.1 hằng năm được sử dụng để làm căn cứ tính thuế..." cần được xem lại.

Theo UBND TP.HCM, quy định này sẽ gây biến động giá đất trên thị trường, khó giữ được giá ổn định do Nhà nước thường xuyên thay đổi hằng năm; đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản (BĐS) của các doanh nghiệp do giá đất thay đổi (thực tế có những dự án lớn phải thực hiện trên 5 năm mới xong).

Đồng thời việc thay đổi giá đất mỗi năm như vậy sẽ ảnh hưởng đến giá bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án: người nhận bồi thường trước có thể sẽ ít hơn người nhận bồi thường sau dù loại đất và vị trí cũng như nhau, điều này sẽ không tránh khỏi thắc mắc, khiếu nại của các hộ dân có đất bị thu hồi.

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND TP.HCM thống nhất với dự thảo giao nhiệm vụ này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất làm đầu mối, trên cơ sở tăng cường củng cố bộ máy hiện có; cần nghiên cứu thêm mô hình doanh nghiệp tham gia công tác này, nhằm tạo thuận lợi trong việc huy động vốn bên ngoài, trên cơ sở chế định tài chính rõ ràng...

Cho chuyển nhượng đất có thời hạn

Một kiến nghị đáng chú ý khác, UBND TP.HCM cho rằng cần bổ sung thêm một quyền của người sử dụng đất: chuyển nhượng có chuộc lại (hay chuyển nhượng có thời hạn), như luật trước ngày 30.4.1975 gọi là "Mã lai thục".

Ngoài ra, nên cho phép các tổ chức sử dụng đất thuê, được quyền hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết để hình thành pháp nhân mới và pháp nhân mới được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi trên thực tế cho thấy, nhiều đơn vị đã và đang sử dụng đất không đúng quy định (chiếm hữu). Nếu áp dụng biện pháp xử lý thu hồi khi vi phạm sẽ rất khó khăn, không khả thi.

Mặt khác, các đơn vị này có đất nhưng thiếu vốn để đầu tư, nhưng người có vốn thì e ngại bỏ ra một khoản tiền lớn mà không được đứng tên trên giấy chứng nhận. Đây là nhu cầu rất lớn và là một bức xúc của các doanh nghiệp tại TP.HCM, Nhà nước nên cho phép thực hiện quyền trên với điều kiện quy định nộp một khoản nghĩa vụ tài chính phù hợp...

Theo Thanh Niên