Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ vốn dĩ "ì ạch" do nhiều nguyên nhân như nguồn lực hạn hẹp, khó cân bằng lợi ích... Để tháo gỡ, thành phố đang nghiên cứu chính sách và chỉ đạo xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, bảo đảm phù hợp yêu cầu thực tế và các quy định của pháp luật.
Một chung cư cũ ở Hà Nội.
|
Nhà nguy hiểm 2 năm chưa di dời xong
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A, (đường Nguyên Hồng) bị xếp vào nhóm D - nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, nhưng đến nay sau gần hai năm vẫn chưa di dời hết các hộ dân. Nhiều cuộc họp được triển khai, nhiều tổ công tác thành lập để vận động các hộ dân di dời nhưng cái khó là một số hộ chưa đồng thuận phương án đền bù. Hiện, giữa 2 đơn nguyên là khe nứt hình chữ V, cao gần 1m, rộng khoảng 30cm, phía trên các căn hộ đều đã làm “chuồng cọp” nhô ra bên ngoài, vừa mất thẩm mỹ vừa không bảo đảm an toàn.
Ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, thực tế không chỉ có đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A, trên địa bàn quận còn có công trình thuộc diện nguy hiểm tương tự, như: Nhà A tập thể Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp - phường Cống Vị và nhà C8 tập thể Giảng Võ... Nếu tính cả các chung cư cũ xuống cấp thì số lượng còn nhiều hơn nữa.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ (76 khu tập thể và 306 khu chung cư độc lập) có quy mô 2-5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 đến 1990 và đa số đã hết niên hạn sử dụng. Đáng chú ý, một số khu ở tình trạng lún nghiêng, nứt vỡ bê tông mức độ lớn, gỉ cốt thép cấu kiện, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, trong khi mật độ dân cư quá cao, gây nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Điển hình như: Nhà E6 - E7 Quỳnh Mai; nhà A - B Ngọc Khánh; nhà B7 - C1 - E6 - E9 - G6A - G6B - G22 Thành Công; A7 Giáp Lục - Tân Mai; A1 - A2 Giảng Võ; tập thể Bộ Tư pháp - phường Cống Vị…
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Thực tế, trong tổng số 1.500 nhà chung cư cũ, đến nay, Hà Nội mới hoàn thành xây dựng lại được khoảng 1%. Vấn đề cải tạo chung cư cũ còn nhiều "rào cản" khi ngân sách thành phố hạn hẹp. Nhà nước chỉ hỗ trợ về quy hoạch, chuẩn bị đầu tư và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu. Trong khi, hầu hết các khu chung cư cũ lại nằm ở khu vực nội thành, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dẫn đến rất khó cân bằng lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải không có những mô hình hiệu quả. Việc Liên danh Petrowaco (Công ty CP Bất động sản dầu khí) và Vinaconex (Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam) tổ chức cất nóc tòa nhà chung cư 97-99 Láng Hạ (quận Đống Đa) vừa qua là một ví dụ về cân bằng lợi ích khi cải tạo chung cư cũ.
Hiện trạng khu đất trước đây gồm: 2 khối nhà 5 tầng và 1 khối nhà 3 tầng, với 66 căn hộ (ở từ tầng 2 trở lên) đã được bán cho người dân theo Nghị định 61/CP của Chính phủ ngày 5-7-1994 về mua bán và kinh doanh nhà ở. Phần tầng 1 được sử dụng làm văn phòng. Sau nhiều năm, các hạng mục công trình xuống cấp, hộ dân tự cơi nới làm ảnh hưởng đến kiến trúc và kết cấu chịu lực công trình, mỹ quan đô thị.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex, thực hiện chủ trương của thành phố, xuất phát từ thực trạng và đa số nguyện vọng của các hộ dân, tháng 4-2014, Liên danh Petrowaco và Vinaconex được thành lập để triển khai dự án cải tạo chung cư cũ, với quy mô 3 tầng hầm, 27 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, trong đó diện tích xây dựng công trình là 1.480m2/tổng diện tích đất 4.233m2 (mật độ khoảng 40%). "Trong tổng số 180 căn hộ, chúng tôi áp dụng tái định cư tại chỗ cho 66 hộ dân, còn lại là bán thương mại. 5 tầng đế bố trí làm văn phòng, diện tích chung, nên nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao. 100% hộ dân bàn giao nhà đúng kế hoạch. Đến nay, dự án bảo đảm tiến độ, được người dân ghi nhận và đánh giá cao" - ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo các nhà chung cư cũ, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn, do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung làm Trưởng ban. Ngoài việc chỉ đạo thực hiện chính sách, Ban còn chỉ đạo xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và thực tiễn; chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với việc kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những sai sót, kịp thời giải quyết, xử lý các nhà nguy hiểm, các khu chung cư cũ xuống cấp.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội đang xây dựng đề án, đề xuất và lấy ý kiến về một số cơ chế, chính sách khung về cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, trước khi trình lãnh đạo thành phố quyết định. Đó là những bước đi bài bản để bảo đảm chủ trương cải tạo chung cư cũ đi vào cuộc sống. Mong muốn của người dân là thành phố đẩy nhanh tiến độ lập và sớm công bố quy hoạch cải tạo, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để kiến thiết các khu tập thể cũ thành nơi có chất lượng sống tốt.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: