Top

Các ông chủ đã tự tin đổ tiền vào dự án lớn

Cập nhật 03/01/2015 08:52

Thị trường bất động sản năm 2014 đánh dấu sự trở lại của những dự án lớn sau nhiều năm chủ đầu tư ẩn mình chờ thời.

Dòng vốn “ăm ắp” trở lại


Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản năm 2014 đã tăng trở lại sau nhiều năm xuống thấp và đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam.

Cụ thể, năm 2014, bất động sản thu hút 35 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này của năm 2013 là 951 triệu USD với 20 dự án (năm 2012 là 1,9 tỷ USD).

Dự án Him Lam Riverside (quận 7, TP.HCM) vừa mở bán đầu tháng 12/2014

Năm 2014, trong số những dự án có vốn đầu tư lớn phải kể đến như Dự án Smart Complex của Tập đoàn Lotte ở Thủ Thiêm (TP.HCM) quy mô 2 tỷ USD; Dự án Amata City Long Thành của Amata tại tỉnh Đồng Nai với quy mô 530 triệu USD. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư còn đổ vào các dự án phức tạp tại các khu cảng của TP.HCM như Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Nhà máy Đóng tàu Ba Son...

Không chỉ có nguồn vốn FDI, các nguồn vốn đầu tư khác như vốn đầu tư tư nhân, tín dụng của ngân hàng thương mại... vào bất động sản cũng tăng trở lại. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến hết quý III/2014 đạt 293.160 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2013. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 13.257 tỷ đồng, giảm 12% so với thời điểm 31/12/2013; dự nợ cho vay xây dựng khu đô thị là 60.225 tỷ đồng, tăng 23% so với thời điểm 31/12/2013; dư nợ cho vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê là 31.656 tỷ đồng, giảm 9% so với thời điểm 31/12/2013; dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê là 80.114 tỷ đồng, tăng 19,2% so với thời điểm 31/12/2013.

Với nguồn vốn lớn dành cho bất động sản, năm 2014, thị trường chứng kiến những thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) lớn. Điển hình là Tập đoàn Tung Shing (Hong Kong) mua 53% cổ phần Khách sạn Movenpick Sài Gòn (quận Phú Nhuận); Lotte Mart (Hàn Quốc) mua lại Pico Plaza (quận Tân Bình). Tại Khánh Hòa, một nhà đầu tư Israel cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Dự án Khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort…

Hoạt động M&A năm 2014 của các nhà đầu tư trong nước cũng sôi động với hàng loạt thương vụ, như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) chuyển nhượng thành công khu đất có diện tích 8,9 ha tại Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh cho Công ty cổ phần Phát triển dự án Techcomdeveloper. Số tiền Sudico thu được từ thương vụ này là 1.218 tỷ đồng; Tập đoàn Đất Xanh mua lại (95% cổ phần) tại Dự án Khu nhà ở phường Phước Long A (quận 9, TP.HCM) từ Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) với giá trị thương vụ khoảng 800 tỷ đồng và mua lại 95% cổ phần tại Dự án Sky Park

Residence (số 25D, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) từ Công ty Xây dựng Thanh Hóa; Tập đoàn Him Lam mua lại Dự án Đông Nam TP.HCM từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với trị giá 1.050 tỷ đồng…

Những doanh nghiệp có hoạt động M&A dự án bất động sản năm 2014 khác là Tập đoàn FLC với việc mua lại 3 dự án bất động sản lớn tại Hà Nội là Khu đô thị Alaska Carden City (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm), Dự án ION Complex (số 36 - Phạm Hùng, quận Cầu Giấy) và Khu phức hợp Lavender (quận Hà Đông). Ba dự án này sau đó lần lượt được đổi tên thành FLC Garden City, FLC Complex và FLC Star Tower. Khoản tiền mà FLC bỏ ra cho thương vụ thứ 3 (mua lại Dự án Lavender) không được tiết lộ. Với 2 thương vụ còn lại, tổng số tiền mà FLC trả cho bên bán xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Cuối năm 2014, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng tiến hành mua lại các Dự án Khu cao ốc văn phòng - chung cư - dịch vụ thương mại số 16 - đường Âu Cơ và Dự án Cao ốc văn phòng - căn hộ chung cư số 10 - đường Phổ Quang (quận Bình Thạnh). Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã hợp tác với Công ty Cơ khí Bình Triệu để triển khai dự án căn hộ ở Bình Thạnh. Con số chi tiết không được chủ đầu tư tiết lộ, nhưng theo giới đầu tư ở TP.HCM, với 3 dự án này, số tiền mà Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư vào các dự án ước tính lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Chỉ báo về con sóng mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau khi chuyển nhượng khu đất có diện tích đất gần 10 ha tại Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) cho biết, với nguồn lực này, Sudico đang tập trung vào công tác đầu tư hoàn thiện sản phẩm Dự án Khu đô thị Nam An Khánh; nâng giá trị sản phẩm để tạo giá kinh doanh tốt trên thị trường, hướng tới mục tiêu đầu tư đồng bộ toàn dự án vào cuối năm 2015.

Về các thương vụ đã thực hiện trong năm 2014 của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC Group cho biết, trước những tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tiến độ thi công tại các dự án. Tại Hà Nội, FLC đang gấp rút thi công các công trình. Theo kế hoạch, cuối quý IV/2014 và trong quý I/2015, FLC sẽ cung cấp cho thị trường trên 2.000 căn hộ chung cư, biệt thự và nhà liền kề.

“Chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục phục hồi, thậm chí sẽ phục hồi mạnh sau những quyết định sửa đổi, bổ sung chính sách với một tư duy rất mới của Chính phủ, Quốc hội. Nguồn dự án của chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Giờ chỉ còn là thời gian triển khai và đón đầu cơ hội mới”, ông Quyết nhấn mạnh.

Chỉ báo về một giai đoạn mới của thị trường bất động sản còn thể hiện với hàng loạt dự án bất động sản mới được khởi động.

Hoành tráng nhất trong số các dự án được khởi công xây dựng trong năm 2014 là Dự án Khu đô thị Vinhomes Central Park (Vinhomes Tân Cảng) tại quận 1, TP.HCM với diện tích gần 43 ha của Tập đoàn Vingroup. Công trình có số vốn đầu tư dự kiến 30.000 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Điểm nhấn của dự án này là tòa tháp The Landmark 81 cao 350 m, phá kỷ lục của tòa nhà cao nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại là Keangnam Landmark Tower tại Hà Nội (cao 72 tầng, 336 m).

Dự án Vinhomes Central Park được chủ đầu tư kỳ vọng là biểu tượng mới cho sự phát triển năng động và phồn vinh tại TP.HCM; còn với giới đầu tư địa ốc, đây có thể xem như chỉ báo mới về sự phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai trung hạn.

Ở Hà Nội, nhiều dự án bất động sản quy mô lớn đã được tái khởi động thay vì những tòa nhà ở nhỏ lẻ như những năm trước đây.

Đầu tiên, phải kể đến sự trở lại ngoạn mục của Dự án Khu đô thị Park City (Hà Đông, Hà Nội) sau nhiều năm chậm tiến độ. Đây là dự án có diện tích hơn 77 ha với quy mô khoảng 900 căn biệt thự, liền kề và 7.000 căn hộ chung cư. Công trình sau khi được nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Perdana Park City tiếp quản từ Công ty cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC), chủ đầu tư mới bỏ ra 100 tỷ đồng phá dỡ toàn bộ phần nền móng các căn biệt thự ở Tiểu khu Ngọc Lan (nay đổi tên là Tiểu khu Nadyne Gardens) để làm mới. Đến thời điểm này, toàn bộ các căn biệt thự của Tiểu khu Nadyne Gardens đã hoàn thiện với cảnh quan đẹp, sẵn sàng bàn giao cho khách hàng. Trong năm 2015, Park City được dự báo sẽ tiếp tục là điểm nhấn của thị trường bất động sản Hà Nội.

Cũng từ đầu năm 2014, Công ty cổ phần Ngôi sao An Bình (với 3 cổ đông chính là Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bảo Việt và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) tái khởi động Tổ hợp chung cư cao cấp Green Star (số 234 - Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 3,4 ha, gồm 7 khối nhà với gần 2.000 căn hộ. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào quý IV/2015. Tập đoàn FLC cũng công bố sẽ đưa các sản phẩm biệt thự, liền kề và căn hộ chung cư tại Dự án Khu đô thị Alaska Carden City vào quý I/2015.

Gần đây nhất, những ngày cuối cùng của tháng 12/2014, Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cũng tuyên bố tái khởi động Dự án Castle Plaza (số 136 - Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm) với tên gọi mới là Goldmark City. Dự án cũng có sự hiện diện của đối tác mới là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Dự án có quy mô 9 khối nhà cao 40 tầng, với tổng số gần 5.000 căn hộ. Không được tiết lộ tiến độ xây dựng cụ thể, nhưng Dự án sẽ nhận những suất đặt cọc đầu tiên của khách hàng từ tháng 1/2015...

Niềm tin có cơ sở

Năm 2014, với việc Quốc hội thông qua các dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cho phép người nước ngoài được mua, sở hữu, cũng như mở rộng hơn quyền kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, thị trường đã phản ứng khá tích cực. Phải đến ngày 1/7/2015, các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới chính thức có hiệu lực, nhưng ngay từ những tháng cuối năm 2014, giao dịch bất động sản đã hết sức sôi động. Hàng loạt dự án bất động sản chào hàng, mở bán trong những tuần cuối cùng của tháng 12/2014 như: Him Lam Chợ Lớn (quận 6), Jamona City (quận 7), Vinhomes Centra Park (quận 1, TP.HCM), Vinhomes Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Diamond Blue (quận Thanh Xuân), The One Residence (quận Hoàng Mai)... với hiệu suất bán hàng tốt, cho thấy thị trường bất động sản vẫn còn những dư địa rất lớn.

Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2014, chuyển động của thị trường bất động sản rất tích cực, tồn kho giảm, giao dịch tăng và giá ổn định, thậm chí tại một số dự án giá còn tăng. Cụ thể, tính đến hết ngày 20/11/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 77.811 tỷ đồng, giảm 50.737 tỷ đồng (tương đương 39,47%) so với quý I/2013. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư còn 15.774 căn (tương đương 24.114 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng còn 13.058 căn (tương đương 21.344 tỷ đồng); tồn kho đất nền nhà ở còn hơn 8,6 triệu m2 (tương đương 27.808 tỷ đồng)... Tồn kho giảm mạnh tại các dự án căn hộ có diện tích nhỏ, giá bán trung bình; các dự án đã hoàn thành và những khu vực có hạ tầng tốt.

Theo TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2014, các dự án bất động sản đã tìm được khách hàng là những người mua nhà lần đầu, những người có nhu cầu ở thực. Họ chính là lối ra cho thị trường bất động sản hiện nay với nhu cầu thật và có khả năng thanh toán cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, năm 2014, phân khúc nhà ở giá rẻ đã phát triển khá sôi động và sẽ còn sôi động hơn trong năm 2015, do nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tác động tích cực đến thị trường. Nhiều cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian cấp sổ đỏ… được tiến hành, sẵn sàng một hành lang pháp lý minh bạch và tiến bộ cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu tư