Sau một thời gian khá dài, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng “đắp chiếu” do thị trường địa ốc đóng băng, năm 2014 đã chứng kiến làn sóng chủ đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đổ vốn vào phân khúc thị trường này.
Ảnh minh họa.
|
Khối ngoại hào hứng
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2013, hàng loạt “siêu” dự án nghỉ dưỡng du lịch có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã dừng đầu tư, triển khai, khiến các địa phương phải ra quyết định thu hồi.
Điển hình trong số đó là các dự án Bãi Biển Rồng (rộng 460 ha, vốn đăng ký lên đến 4,15 tỷ USD), Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn ngọc châu Á (tại Phú Quốc, Kiên Giang, vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ euro của Tập đoàn Trustee Suisse của Thụy Sĩ), Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (1,68 tỷ USD); Công viên Thế giới kỳ diệu (Bà Rịa - Vũng Tàu, 1,3 tỷ USD)... Hàng loạt siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng giậm chân tại chỗ, như Saigon Atlantic (Bà Rịa - Vũng Tàu - 4 tỷ USD)…
Nhưng bước sang năm 2014, khi những bóng mây u ám bao phủ thị trường bất động sản dần tan, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại đón đầu thị trường và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang là hạng mục “hot” nhất của họ.
Điển hình là Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên (do Công ty TNHH New City Properties Development của Brunei làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD) đã giảm quy mô diện tích, cơ cấu lại nguồn vốn và tìm kiếm đối tác tham gia. Theo giấy chứng nhận đầu tư mới, quy mô diện tích Dự án giảm từ 565 ha còn 357,52 ha và quy mô vốn đầu tư giảm từ 4,3 tỷ USD còn 1 tỷ USD.
Hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã thâm nhập thị trường, đề xuất đầu tư nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, như Dự án Khu đô thị sinh thái có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, rộng 516 ha tại đảo Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) của Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan); Dự án Ha Long Star, rộng 125 ha, tổng mức đầu tư 550 triệu USD của Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất - UAE); Dự án Khu phức hợp vui chơi giải trí (casino) tại đảo Tuần Châu (TP. Hạ Long, Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư lên tới 7,5 tỷ USD của Tập đoàn ISC Corp (Mỹ); Dự án Khu đô thị tại thị xã Quảng Yên của Liên danh Tập đoàn Amata (Thái Lan) với Tuần Châu, quy mô 7.834 ha, vốn đầu tư 1,5 - 2 tỷ USD…
Trước đó, trong nửa đầu năm 2014, nhiều chủ đầu tư nước ngoài, qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) đã lặng lẽ thâm nhập thị trường, mua lại các dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Trong số này, có thể kể đến việc Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Mỹ Rockefeller hợp tác với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để thực hiện Khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng tại Vũng Rô (Phú Yên), với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; Alma Group (Israel) mua lại Dự án nghỉ dưỡng Khu du lịch Bãi Rồng Resort trị giá 300 triệu USD và đổi tên thành Alma Resort; State Development - Moscow (Nga) động thổ xây dựng Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, với tổng vốn đầu tư 1.890 tỷ đồng…
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2014, bất động sản thu hút 35 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhà đầu tư nội tăng tốc
Trong lúc nhà đầu tư nước ngoài nhanh tay thâu tóm, tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng, thì các doanh nghiệp địa ốc trong nước cũng đã tăng tốc đầu tư, khởi động hàng loạt dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Mới đây nhất, Tập đoàn Hoàn Cầu (Khánh Hòa) đã công bố đầu tư Khu đô thị cao cấp trên biển Diamond Bay thuộc quần thể khu nghỉ dưỡng - giải trí Diamond Bay City (Nha Trang, Khánh Hòa); Tập đoàn FLC được UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn làm chủ đầu tư Dự án Bãi Vòng nằm gần Sân bay Phú Quốc, với tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ đồng; CEO Group bắt đầu triển khai Khu du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Villas &
Resort rộng gần 80 ha, tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng ở Phú Quốc; Vingroup đã khởi công Dự án Vinpearl Phú Quốc quy mô 304 ha, bao gồm khu khách sạn và biệt thự cao cấp, khu sân golf, với tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng; Tập đoàn Nam Cường đang xúc tiến khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế, với tổng vốn khoảng 3.200 tỷ đồng...
Hiệu ứng từ chính sách và thị trường khởi sắc trở lại
Yếu tố tích cực đầu tiên khiến làn sóng đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quay trở lại sau thời kỳ đóng băng là chính sách mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, từ khi Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua đến nay,
Savills nhận được nhiều yêu cầu của khách hàng là người nước ngoài. Như vậy, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ tác động mạnh tới thị trường địa ốc nói chung và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
“Khi giá các sản phẩm nghỉ dưỡng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong khu vực và chính sách sở hữu nhà được Chính phủ tạo điều kiện, thì Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến hàng đầu đối với nhà đầu tư. Năm 2015 là thời điểm vàng để chủ đầu tư đánh giá lại các dự án, chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo với nhiều kỳ vọng”, ông Matthew Powell nhận định.
Ông Rudol Hever, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản Alternaly khẳng định, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều tiềm năng phát triển khi Việt Nam tiếp tục là điểm đến của khách du lịch quốc tế, nhiều tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế vẫn đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, nhu cầu mua bất động sản nghỉ dưỡng của người Việt còn cao.
Ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc VinaCapital Đà Nẵng cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng là lĩnh vực người nước ngoài rất quan tâm. Đặc biệt, sự cởi mở về chính sách như việc cho phép người nước ngoài mua nhà và cạnh tranh bằng ưu đãi trong thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực ASEAN sẽ là cơ hội lớn để các dự án bất động sản, nhất là lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, có thể triển khai thuận lợi, đáp ứng nhu cầu lớn của người nước ngoài.
Theo các chuyên gia, các địa phương có lợi thế nghỉ dưỡng biển như Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Long Hải, Vũng Tàu... đang là những thị trường tiềm năng nhất. Nhà đầu tư cá nhân ở các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore đang có xu hướng bỏ tiền vào bất động sản du lịch, nên nhiều khả năng, họ sẽ chọn Việt Nam là một điểm đến trong thời gian tới. Lý do là, bất động sản tại quốc gia họ hiện quá đắt đỏ, trong khi giá bất động sản tại Việt Nam thời điểm này khá cạnh tranh.
Các chuyên gia bất động sản dự báo, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ phát triển từ từ từng bước và đến cuối năm 2015 - đầu năm 2016, thị trường sẽ thực sự sôi động trở lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: