Top

Các đại gia tranh mua đất quy hoạch: Rung đùi chờ... rủi ro

Cập nhật 22/03/2008 08:00

Dù đất nông nghiệp ở một số nơi tại quận 7 - TPHCM có giá đền bù chỉ từ 200.000 đồng/m2 đến 250.000 đồng/m2 nhưng nhiều người sẵn sàng mua từ 3 triệu đồng/m2 đến 6 triệu đồng/m2

Việc UBND phường Tân Phong, quận 7 - TPHCM vừa tổ chức cưỡng chế 10 hộ dân trong khu quy hoạch xây dựng các trường đại học tại khu đô thị Nam TP là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các trường hợp mua nhà, đất trong khu quy hoạch. Thế nhưng cơn sốt mua đất nông nghiệp chỉ lắng dịu tại vùng bị cưỡng chế, còn các khu vực lân cận dù đã quy hoạch, người mua, kẻ bán vẫn sôi động như ở những nơi chưa quy hoạch.

Đất nông nghiệp giá trên trời!

Cơn sốt đất ở các khu vực đã quy hoạch tại khu đô thị Nam TP đã đẩy giá đất nông nghiệp lên ngất ngưởng, hơn 6 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù của Nhà nước ở khu vực này chỉ ở mức từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/m2. Sôi động nhất là khu C (một trong 8 khu chức năng của khu đô thị Nam TP), theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ là khu công nghiệp sạch và kỹ thuật cao.

Theo chỉ dẫn của cò Mai ở ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, chúng tôi đến khu vực nằm dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh. Khu vực rộng lớn này dù chỉ toàn sình lầy, sú vẹt... nhưng đã được các đại gia mua hết. Cò Mai nói: “Nếu muốn mua đất thì tôi liên hệ giùm. Bởi khu vực này hầu hết đã có chủ là người ở nội thành”. Nghe mức giá đưa ra cho mỗi công đất (1.000 m2) từ 3,5 tỉ đồng đến 6 tỉ đồng (khoảng 3,5 đến 6 triệu đồng/m2), chúng tôi bật ngửa. Cò Mai nói thẳng rằng giá ban đầu họ mua lại từ người dân địa phương chỉ có 1 tỉ đồng/công, nay tăng gấp 6 lần, vì nghe nói ở đây sẽ được chuyển đổi quy hoạch từ công nghiệp sang làm khu dân cư.

Chiêu tung tin chuyển mục đích sử dụng

Đến UBND xã Phong Phú để tìm hiểu sự việc trên, chúng tôi được một cán bộ ở đây xác nhận về tình trạng mua đất như mua... rau của các đại gia trong nội thành. Theo vị này, dù khu C (diện tích 46 ha) đã có quy hoạch, song theo quy định do chưa thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng nên xã vẫn phải xác nhận cho những trường hợp chuyển nhượng đất. Tuy nhiên, yêu cầu là người mua phải mua trọn “sổ đỏ”, không xé lẻ khu đất.

Chính vì quy định này, có nhiều đại gia đến thu gom số lượng đất cực lớn để...chờ thời. Nổi bật trong đó là đại gia M. ở quận 10 và D. ở quận 1. Theo cán bộ này, hai người này chỉ xuất hiện bằng xe hơi khi xuống phường ký tên vào giấy tờ, còn sau đó mọi thủ tục, giấy tờ giao cho cò làm hết. “Không hiểu họ mua đất với giá quá cao để làm gì. Thậm chí mới đây có người còn nhờ cò trả giá mua lại của hai đại gia này với mức giá hơn 6 triệu đồng/m2 nhưng chưa thấy hồi âm!”- cán bộ này nói.

Vì sao các đại gia sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đồng mua đất nông nghiệp nằm trong khu quy hoạch? Chúng tôi được một cán bộ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 7 giải thích: Với chính sách người bị giải tỏa được hoán đổi đất lấy nền tái định cư (tỉ lệ 10%-12%) nên họ sẵn sàng mua đất của dân để được hưởng chính sách này.

Thế nhưng, do chính sách này chỉ áp dụng cho những dự án khu dân cư nên người thu gom đất đã vẽ ra câu chuyện quy hoạch khu công nghiệp sạch sẽ trở thành khu dân cư. Chúng tôi nhẩm tính: Chỉ cần có 1.000 m2 đất nông nghiệp bị thu hồi, người có đất được nhận một nền từ 100 m2 đến 120 m2. Chưa kể, nếu được bố trí tái định cư tại chỗ ở khu vực khu Nam TP thì giá trị nền đất sẽ rất cao.

Như vậy, đã hiểu phần nào lý do diễn ra tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp nằm trong khu quy hoạch đang rộ lên như hiện nay. Ông Vũ Trọng Minh, Phó Phòng Đất đai - Môi trường Ban Quản lý khu Nam TP, xác nhận chiêu tung tin chuyển mục đích sử dụng một số khu vực đã có quy hoạch thành khu dân cư và việc “dựa hơi” chính sách hoán đổi đất là có thật. Điều này đã xảy ra ở khu quy hoạch các trường đại học thuộc phường Tân Phong, quận 7 mà dư luận phản ánh. Và việc này cũng kéo theo không ít người dân vì thiếu thông tin, bị những lời ngon ngọt của cò, chạy theo các đại gia, cứ mặc sức mua để rồi cái giá phải trả có thể là mất trắng.

Chưa có thay đổi quy hoạch của 5 khu chức năng

Theo Ban Quản lý khu Nam TP, quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể của khu Nam TP với 8 phân khu chức năng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó 5 khu chức năng A, B, C, D, E có quy mô 600 ha được giao cho Công ty Phát triển Tân Thuận tổ chức đền bù giải tỏa và giao cho Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng triển khai thực hiện dự án. Các phân khu khác giao cho nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án đúng với quy hoạch đặt ra. Ban Quản lý khu Nam TP khẳng định, đến nay chưa có sự thay đổi quy hoạch nào của 5 khu chức năng nêu trên. Trường hợp có sự thay đổi phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.


Theo Người Lao Động