Top

Chọn thầu: xin đừng hám rẻ

Cập nhật 24/06/2011 15:50


Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thi công kéo dài đến nay vẫn chưa xong. Ảnh: Minh Khuê.
Vấn đề chọn thầu trong đấu thầu quốc tế tại nước ta hiện nay đang có những khiếm khuyết chết người.

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về tình trạng các nhà thầu Trung Quốc chiếm ưu thế gần như tuyệt đối khi tham dự đấu thầu quốc tế tại nước ta. Họ sử dụng một phương thức không lạ nhưng rất hiệu quả là bỏ giá thấp, thậm chí rất thấp so với giá dự thầu bình quân của các nhà thầu cùng tham dự. Có điều, cách thức tổ chức thi công công trình và kết quả thực hiện hợp đồng của các nhà thầu này tại nhiều gói thầu quan trọng rất đáng lo ngại.

Tại những gói thầu, dự án ấy, các nhà thầu Trung Quốc đã có nhiều vi phạm hợp đồng về tiến độ, chất lượng thi công, bộc lộ sự yếu kém về năng lực tài chính, kỹ thuật, tổ chức thi công. Điển hình như gói thầu số 10 dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gói thầu số 7 dự án vệ sinh môi trường của TPHCM, gói thầu số 3 thi công đường dẫn phía bờ Cần Thơ, dự án xây 16 cây cầu trên quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Cà Mau…

Vấn đề nghiêm trọng là tình trạng nói trên đã và đang tiếp tục xảy ra trong khi các cơ quan quản lý hữu quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn giám sát phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát dự án và nhất là hiệu quả đầu tư xây dựng bị giảm sút nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội. Vì sao vậy? Có hai nguyên nhân chủ yếu: do quy định của Luật Đấu thầu chưa hợp lý và công tác xét chọn thầu cũng như xử lý “hậu đấu thầu” còn có thiếu sót.

Cần sửa Luật Đấu thầu


Trước hết cần xem lại quy định của Luật Đấu thầu về phương thức xét chọn thầu đối với gói thầu xây lắp. Theo pháp luật đấu thầu hiện hành (gồm có luật và các văn bản dưới luật) công tác đánh giá hồ sơ dự thầu, xét chọn thầu có thể được khái quát gồm ba bước: (i) đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu; (ii) đánh giá về mặt kỹ thuật; (iii) xác định giá đánh giá.

Những hồ sơ dự thầu được đánh giá đạt yêu cầu ở bước (i) và đạt số điểm quy định tối thiểu ở bước (ii) (từ 70-80% tùy thuộc tính chất phức tạp của gói thầu) sẽ được xác định giá đánh giá - bước (iii) - làm cơ sở xếp hạng nhà thầu và quyết định nhà thầu trúng thầu. Như vậy, kết quả chọn thầu phụ thuộc chủ yếu vào giá bỏ thầu; hay nói cách khác không có sự phân biệt, ưu tiên cho nhà thầu có điểm số cao hơn về mặt kỹ thuật.

Mặt khác, pháp luật đấu thầu cũng không có quy định khống chế nhà thầu bỏ giá dưới giá sàn. Đây là hạn chế của luật dẫn đến việc các nhà thầu Trung Quốc chọn cách bỏ giá thấp, rất thấp để được trúng thầu. Chưa nói đến vấn đề có hay không sự trợ giá của Chính phủ Trung Quốc cho các công ty xây dựng của họ khi tham gia đấu thầu ở nước ngoài thì việc nhà thầu bỏ giá quá thấp, không dựa trên quy luật kinh tế thông thường, cách ly với những yếu tố quyết định giá là trình độ kỹ thuật thi công, năng lực tài chính, thiết bị, điều kiện công trường, giá cả thị trường sẽ dễ gây ra những hậu quả khôn lường khi họ được chọn, giao thầu thi công công trình xây dựng, thực hiện dự án đầu tư như đã đề cập ở đầu bài viết.

Vì vậy, thiết nghĩ Nhà nước nên xem xét, sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng quy định việc chọn lựa nhà thầu phải dựa trên tổng hợp điểm kỹ thuật và giá tương tự như phương thức xét chọn thầu áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn; quy định công tác đánh giá hồ sơ dự thầu, xét chọn thầu sao cho có sự phân biệt, ưu tiên cho nhà thầu có điểm số cao hơn về mặt kỹ thuật đối với gói thầu thuộc các công trình, dự án quan trọng; quy định khống chế giá bỏ thầu không được thấp hơn một tỷ lệ nhất định (chẳng hạn từ 3-5%) so với giá sàn của gói thầu. Những quy định như thế sẽ giúp loại bỏ tình trạng nhà thầu bỏ giá không hợp lý, không đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công.

Xét chọn thầu - còn quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời

Ngoài ra, công tác xét chọn thầu và xử lý “hậu đấu thầu” cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Mặc dù pháp luật đấu thầu hiện hành không quy định khống chế nhà thầu bỏ giá dưới giá sàn, nhưng có quy định rõ quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác đấu thầu xây lắp, theo đó được áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu đã vi phạm hợp đồng ở các gói thầu khác; cho phép xác minh, làm rõ những điểm bất hợp lý của hồ sơ dự thầu. Vậy tại sao có những nhà thầu như Tổng công ty Xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC) liên tục trúng thầu nhiều gói thầu lớn, quan trọng dù họ có nhiều hoạt động bê bối, vi phạm hợp đồng tại một số công trình, dự án được thực hiện trước đó. Thậm chí họ còn bị Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh cáo và đưa vào danh sách “đen”, không cho phép tham dự thầu các dự án do WB tài trợ vì vi phạm pháp luật (hối lộ để được giao thầu thi công).

Và, vì sao tại nhiều công trình, dự án, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án không tích cực xác minh, làm rõ những điểm bất hợp lý trong giá dự thầu và dự toán xây lắp của nhà thầu chào giá thấp, hoặc rất thấp trước khi quyết định chọn nhà thầu ký hợp đồng thi công xây lắp? Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng chưa thực sự kiên quyết trong việc sử dụng các biện pháp chế tài được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng để xử lý nhà thầu vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng đã ký, vô hình trung đã không ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, không đảm bảo răn đe nhà thầu tiếp tục có vi phạm.

Đã đến lúc cần nghiêm túc xem lại những hiện tượng bất thường trên, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm mục đích ngăn ngừa trong tương lai. Đồng thời Nhà nước, các ngành, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm hơn nữa việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý và có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, quản lý, giám sát thi công các công trình thực hiện bằng vốn nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu và quản lý thực hiện dự án ở nước ta.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG