Top

Buôn bất động sản thời “đóng băng”

Cập nhật 06/05/2008 08:00

Tuy không sôi động như thời nhà đất “nóng sốt” nhưng hiện nay một số nhà đầu tư bất động sản vẫn âm thầm mua bán, thậm chí có nhiều người “lướt sóng” nhưng vẫn “có ăn”! Họ cho rằng thời nhà đất “đóng băng” vẫn còn cơ hội để… buôn và an toàn hơn so với trước đây. Bí quyết của họ là gì?

Vẫn có lời nếu…

Anh Phước - một nhà đầu tư chứng khoán chuyển qua đầu tư bất động sản từ hồi đầu năm 2008, vừa khoe mới bán một khu đất ở Bình Dương lời 300 triệu đồng trong vòng chưa đầy 4 tháng.

Mọi người nghi ngờ anh nói dóc bởi thị trường nhà đất đang ảm đạm, nhưng khi anh đưa giấy tờ mua đất hồi trước và giấy đặt cọc tiền của người mới mua, lúc này người nghe mới tin.

“Vẫn có thể làm ăn được, vẫn vô mánh ngon lành trong thời điểm thị trường bất động sản “lạnh” với điều kiện phải chịu khó săn lùng và tìm mua giá gốc  và chờ bán lại”, anh Phước nói.

Theo anh Phước, thật ra, thị trường “đóng băng” hiện nay phần lớn lọt vào sản phẩm là căn hộ chung cư cao cấp và đất nền, còn đất ruộng, đất công ở những vùng ven không giảm giá nhiều và mua bán vẫn diễn ra, tuy không rầm rộ như trước đây.

Đặc biệt, những miếng đất có vị trí tốt thì hoàn toàn có khả năng bán lại và lãi rất khá. Nếu gặp một nhà đầu tư mua để mở xưởng, xí nghiệp, nhà máy… thì cơ hội “vô đậm” là rất lớn. Miếng đất của anh Phước rơi vào trường hợp này.

Khi bán, anh còn tiếc là hồi đó … nhát, chứ nếu mua diện tích lớn hơn thì còn “lời bộn”, bởi người mua miếng đất của anh thấy không đủ rộng nên phải mua thêm miếng đất của một chủ khác kế bên.

Còn ông Nguyễn Văn Long - một tay buôn bất động sản có cỡ ở Tân Phú cho rằng, chính thời điểm “đóng băng” là cơ hội để buôn. Bây giờ không khó khăn để tìm mua nhiều miếng đất có giá “F1” (giá gốc) mà hồi năm 2007, thậm chí đầu năm 2008 có mơ cũng không thấy và chẳng bao giờ mua được.

Chẳng hạn như đất nền dự án khu dân cư T.H (Nhơn Trạch, Đồng Nai) hồi trước tết, giá không dưới 4,5 triệu đồng/m2, bây giờ chỉ còn khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Ông Long khẳng định: “Nếu hiện nay đất nền dự án nào đã làm xong phần cơ sở hạ tầng, quy hoạch đường sá, điện… mà bán dưới 3 triệu đồng là… OK. Nếu có vốn cứ gom hàng để đó, chờ thời gian bán lại chắc chắn sẽ có lời…”.

Không chỉ đất dự án, đất nền mà nhiều chung cư đang giảm giá từng ngày chính là “điểm lợi” cho những nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi, không phải vay mượn. Tại TPHCM, nhiều dự án căn hộ chung cư cao cấp đang rao bán có giá đã giảm từ 10% - 25% so với thời điểm dự án công bố.

Chẳng hạn căn hộ chung cư BMC giá 32 - 40 triệu đồng/m2; Horizon (Công ty Fico) giá 30 - 32 triệu đồng/m2; An Hòa (Công ty Địa Ốc 7) giá 23 - 24 triệu đồng/m2; An Khang (Cty Intresco) giá 2.300 – 2.500 USD/m2; Estella (Công ty Tiến Phước) giá 2.100 - 2.600 USD/m2; Precher (Descons) giá 2.200 – 2.600 USD/m2; The Vista (Capital Land) giá 2.200 - 2.600 USD/m2; Nguyễn Phúc Nguyên (Savimex) giá 30 - 32 triệu đồng/m2; Constrexim (Constrexim) giá 28 - 30 triệu đồng/m2; Khánh Hội II (Công ty XNK Khánh Hội) giá 24 - 25 triệu đồng/m2.

Bán nhà to, mua nhà nhỏ và “lướt sóng"

Ông Lê Văn Thịnh bàn với vợ quyết định bán ngôi nhà 4x23m ở đường Nguyễn Tri Phương (Q.10) với giá 500 cây vàng. Ông lên khu Bàu Cát (Q.Tân Bình) mua căn nhà rộng hơn nhưng chỉ 300 cây, còn dư 200 cây ông đi buôn nhà đất.

Ông giải thích rằng, sở dĩ ông phải bán ngôi nhà cũ “vì bây giờ dân tứ xứ, người lạ về mua nhà ở nhiều, những người hàng xóm hồi trước đã đi gần hết nên ở cảm thấy buồn”. Lên khu Bàu Cát xa hơn một chút nhưng nhà rộng hơn, mua xong nhà còn dư tiền.

“Nghệ thuật” buôn bất động sản của ông là mua những căn nhà nhỏ, sửa chữa sơ, sơn phết rồi bán lại. Ông Thịnh cho rằng: “Kinh doanh nhà nhỏ rất an toàn, vì hầu hết đã có giấy tờ và những căn nhà nhỏ hiện nay nhu cầu rất lớn, phù hợp với nhiều đối tượng có tiền từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng”.

Ông cho biết, so với chung cư cao cấp hoặc đất dự án thì nhà nhỏ có tính thanh khoản (mua bán) hơn hẳn, vì tâm lý người Việt vẫn thích ở nhà trệt hơn ở chung cư, cho dù diện tích nhỏ và ít tiện nghi hơn.

Ông Thịnh khoe mới vừa mua một căn nhà nhỏ trên đường Bình Thới (Q.11) với giá 800 triệu, đang sửa chữa đã có người trả 950 triệu đồng nhưng ông chưa bán. Trong khi đó tiền sửa lại căn nhà này tốn chưa tới 50 chục triệu đồng.

“Trong vòng 1 tháng lời được 100 triệu đồng trong thời buổi thị trường nhà đất đóng băng là rất khó, thế nhưng tôi đã làm được”, ông Thịnh cười tươi.

Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản thường gặp những gương mặt “thân quen”. Họ chính là dân “lướt sóng” lên sàn gần như hàng ngày để nắm bắt thông tin, nghe ngóng tình hình, nếu thấy “miếng” nào ngon là “bụp”. Họ nắm bắt thông tin rất tốt, biết khu vực nào giá giảm trong khoảng thời gian bao nhiêu, rồi ghi nhận nơi nào giảm đến mức thấp nhất là mua, sau đó có lời sẽ bán ngay.

Hiện nay, dân “lướt sóng” bất động sản ra sức ép giá người bán để mua được với giả rẻ nhất, đặc biệt đối với những người trước đây “ôm hàng” quá nhiều, bây giờ chịu không thấu phải “xả” ra. Sau khi họ mua, sản phẩm được rao bán trên báo, các website địa ốc hoặc ký gửi tại sàn giao dịch bất động sản để tìm người có nhu cầu thật sự.

Dân “lướt sóng” chủ yếu chọn căn hộ chung cư, loại có giá từ 25 triệu đồng/m2 hoặc từ 1.500USD/m2 trở xuống vì giá phù hợp với nhiều đối tượng người mua để dễ bán lại. Đối tượng họ nhắm đến là người mua để ở chứ không phải mua để kinh doanh.

Tổng Giám đốc Công ty Nhà đất Phú Gia cho biết, trong thời điểm thị trường bất động sản “đóng băng” nhưng vẫn có người “lướt sóng” thành công. Bây giờ “lướt sóng” tuy không lời nhiều như trước nhưng “góp gió thành bão”, khung lợi nhuận vẫn đảm bảo, vì so với thời nhà đất “nóng sốt” thì hiện nay buôn bất động sản khá chắc ăn, vì giá đã giảm dần về với giá trị thật.


Theo Sài Gòn Giải Phóng