Top

Bùng nổ quy hoạch khu công nghiệp và đô thị ở Long An: Nông dân sẽ làm gì?

Cập nhật 08/05/2008 11:00

Long An đang là “vùng nóng” nhất ĐBSCL và cả nước về phát triển khu công nghiệp và đô thị. Hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước ùn ùn kéo về “xin” đất buộc UBND tỉnh phải thay đổi quy hoạch liên tục. Hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp đã được chuyển mục đích sử dụng, cuộc sống người làm nông đang “lâm nguy” trên mảnh đất canh tác ngày càng teo tóp. Chuyện đất đai ở Long An nóng lên từng ngày…

Chạy theo... doanh nghiệp!

Theo quy hoạch sử dụng đất ở Long An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-1998 thì đến năm 2010 tổng diện tích đất nông lâm nghiệp là 367.559ha, chiếm 83,88%; đất phi nông nghiệp là 69.026ha, chiếm 15,75% (trong đó đất dành cho khu, cụm công nghiệp là 6.177ha và đất ở 22.350 ha)…

Về cơ bản, quy hoạch trên được đánh giá phù hợp và giúp cho việc quản lý nhà nước về đất đai đi vào nề nếp, đảm bảo khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất có hiệu quả. Thế nhưng, khi Long An gia nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì quy hoạch trên nhanh chóng “lạc hậu”, không còn phù hợp với tình hình mới đặt ra.

Làn sóng đầu tư càng dồn dập buộc UBND tỉnh Long An phải khẩn trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (từ 2006 - 2010). Ngày 7-2-2007, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định duyệt một số tiêu chí sử dụng đất ở Long An theo chiều hướng giảm diện tích đất nông nghiệp và tăng đất phi nông nghiệp. Theo đó, đất nông nghiệp giảm xuống còn 361.559ha, chiếm 80,48%; đất phi nông nghiệp tăng lên 86.196ha, chiếm 19,19% (trong đó, đất khu, cụm công nghiệp là 10.532ha và đất ở 17.406ha).

Cứ ngỡ lần điều chỉnh này sẽ cơ bản giải quyết được nhu cầu phát triển khu công nghiệp và đô thị hóa, tuy nhiên các ngành chức năng chưa kịp triển khai thực hiện thì phát sinh nhiều vấn đề mới. Cùng sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, cộng với sự hỗ trợ của các bộ ngành và việc xúc tiến đầu tư ở tỉnh có hiệu quả… nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đổ dồn về Long An khiến diện tích đất công nghiệp và đô thị tiếp tục không đủ đáp ứng(!?).

Để không làm “mất lòng” nhà đầu tư, ngày 27-7-2007, UBND tỉnh Long An một lần nữa gửi tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm diện tích đất nông nghiệp và tăng đất phi nông nghiệp. Ngày 29-82007, Thủ tướng Chính phủ có công văn đồng ý cho Long An bổ sung thêm 6.356ha để phát triển khu công nghiệp, đô thị sinh thái…

Trong lúc các tỉnh khác ở ĐBSCL nỗ lực chạy theo sự tăng tốc của Long An thì ngày 21-3-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An tiếp tục làm nhiều người ngạc nhiên bằng việc thống nhất đề nghị Chính phủ xem xét cho điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất công nghiệp của tỉnh lên hơn 30.000ha vào năm 2010. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng đã công nhận việc hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước ùn ùn kéo về khiến công tác quy hoạch đất không đáp ứng kịp tình hình. Do phát triển “quá nóng”, phải chạy theo đuôi nhà đầu tư nên công tác quy hoạch đất đai ở tỉnh bộc lộ sự thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn.

Để rồi đất bỏ hoang

Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Long An đang hết sức lo ngại trước việc UBND tỉnh tiếp tục chuyển thêm hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp sang công nghiệp và đô thị, trong đó có 13 sân golf (7.000ha). Chưa hết, tỉnh còn dự tính “cắt” hàng ngàn ha đất nông nghiệp để phát triển khoảng 9 dự án “đô thị sinh thái”. Đa số những dự án trên nằm ngoài phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng đất.



Nhiều khu quy hoạch đô thị lấn
dần đất nông nghiệp.

Vậy mà, từ năm 2002 đến năm 2007, khi tiến hành kiểm tra sử dụng đất ở các dự án, phát hiện nhiều dự án chỉ “nằm trên giấy” mà không triển khai, tỉnh Long An đã thu hồi 139 dự án với tổng diện tích gần 11.661ha. Riêng năm 2007, tỉnh thu hồi 30 dự án với diện tích 1.793ha; trong đó 813 ha đã giao cho nhà đầu tư khác, 10 dự án (khoảng 507 ha) chưa có nhà đầu tư mới, một số dự án còn lại đang điều chỉnh quy hoạch…

Hôm chúng tôi về huyện Thủ Thừa, chứng kiến cụm công nghiệp rộng 200ha nằm ngay thị trấn nhưng bỏ hoang cho cỏ mọc đầy. Hỏi ra mới biết, nhà đầu tư không có năng lực nên cả năm nay không thể triển khai, gây lãng phí khiến người dân bức xúc. Tại xã Long Định, huyện Cần Giuộc, Công ty cổ phần quốc tế Năm Sao xin đầu tư dự án khu dân cư và trung tâm thương mại, nhưng từ tháng 5- 2006 đến nay vẫn ì ạch. Ở thị trấn Hiệp Hòa, Công ty TNHH Hoàng Khang, xin đầu tư dự án hạ tầng công nghiệp rộng 200ha, dù được chấp thuận hơn 1 năm nay nhưng vẫn “án binh bất động” bất chấp đã quá hạn(?!).

UBND tỉnh Long An thừa nhận, do làn sóng đầu tư quá nóng, số lượng các dự án giao đất, cho thuê đất ở tỉnh quá nhiều trong khi lực lượng cán bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất mỏng nên gặp không ít khó khăn. Việc thay đổi, điều chỉnh dự án, thủ tục đầu tư còn kẽ hở nên bị chủ đầu tư lợi dụng kéo dài thời gian đưa đất vào sử dụng. Nói như ông Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường: “Trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh không hề có khái niệm “đô thị sinh thái”. Chúng tôi chỉ quy hoạch đất ở đô thị hay đất ở nông thôn… Đô thị sinh thái là do nhà đầu tư tự đặt ra để xin dự án, chớ không phải do tỉnh yêu cầu”.

Nông dân sẽ làm gì?

Năm 2007, Long An lọt vào tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với 194 dự án. Tổng số vốn đăng ký là 1.840 triệu USD, trong đó có 98 dự án đã hoạt động. Thu hút đầu tư tăng cao đã góp phần đưa nguồn thu ngân sách nhà nước từ vài trăm tỷ đồng/năm lên khoảng 2.100 tỷ đồng/năm. Phát triển mạnh công nghiệp và đô thị đã góp phần thu hút hàng chục ngàn lao động, đồng thời khi xây dựng dự án cũng giải quyết thêm hàng chục ngàn lao động thời vụ.

Tuy nhiên, trong khi các dự án còn ở… tương lai thì việc phát triển “quá nóng” trước mắt đã phát sinh nhiều hệ lụy. Tại xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) nơi chuyển toàn bộ diện tích đất nông nghiệp (1.500ha) sang công nghiệp và đô thị, sự đầu tư “cấp tốc” đã biến đất đai Long Hậu từ chỗ không người mua thành nơi tranh nhau, xâu xé. Trước đây, giá đất mặt tiền cạnh tỉnh lộ 12 chỉ 100 - 150 triệu đồng/công thì nay “cò đất” nâng lên 1 tỷ đồng/công trở lên; đất ruộng 20 - 30 triệu đồng/công vọt lên 100 - 200 triệu đồng/công.

Ông Tô Văn Ba, ngụ ấp 2/5, nói: “Ngày nào cò đất cũng chạy đầy đường, họ nâng giá liên tục trong khi dân nông thôn ai cũng túng thiếu nên không bán cũng chẳng yên(!)”.Còn ông Trần Văn Hai, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức tâm sự: “Gia đình tôi canh tác 5 công ruộng dù không giàu nhưng cũng đủ ăn. Xong mùa lúa thì đi mua rơm về bán cho các xe tải chở dưa hấu, kiếm lời 50 - 70 ngàn đồng/ngày, dư sống. Tới đây, đồng ruộng thành khu công nghiệp và đô thị, rơm rạ chưa biết bán cho ai?”.

Chỉ riêng tại huyện Bến Lức, từ năm 2005 đến nay có trên 4.225 hộ bị mất đất với diện tích 1.200ha. Trong đó, 2.421 hộ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề nhưng phần lớn chi tiêu hết tiền hoặc học hành chưa tới đâu đã nghỉ. Anh Phạm Tuấn Hải, Phó phòng LĐTB-XH huyện Bến Lức trăn trở: “Người bị thu hồi đất nhưng còn nhà thì đời sống tạm ổn, nhưng phần lớn là người bị thu hồi đất lẫn nhà thì gặp vô vàn khó khăn.

Người từ 35- 40 tuổi trở lên thì không thể vào xí nghiệp do quá tuổi lẫn thiếu tay nghề. Còn tụi trẻ thì lại chưa quen tác phong công nghiệp nên chẳng bám trụ xí nghiệp được bao lâu”. Theo anh Hải, hầu như khi triển khai dự án, chính quyền và doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc đền tiền cho dân là xong, còn chi tiêu ra sao, cuộc sống thay đổi thế nào thì không ai để ý tới. Có người còn nói vui: Long An đang nỗ lực xây đô thị hiện đại để đón dân giàu từ TPHCM và các nơi về ở. Bởi nông dân Long An còn nghèo dù nằm mơ cũng hổng dám nghỉ tới... Đây là những vấn đề lớn cần được xem xét kỹ lưỡng.

Khi Long An chuyển hơn 30.000ha đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và đô thị, có khoảng 150.000 người (tương đương dân số 1 huyện) bị mất đất và thất nghiệp.

Để trở thành tỉnh công nghiệp, Long An sẽ thu hút khoảng 1,5 - 2 triệu công nhân, cán bộ… đến làm việc. Việc giải quyết nơi ăn, chốn ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nghề… cũng là vấn đề vô cùng nan giải.


Theo Sài Gòn Giải Phóng