Top

Bộ thúc, địa phương vẫn kém mặt mà với cuộc chiến chống “bôi trơn” sổ đỏ

Cập nhật 09/08/2016 09:46

Dù Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên Môi trường có nhiều động thái thúc giục nhưng nhiều địa phương không mặn mà với việc lập đường dây nóng nhận phản ánh về các tiêu cực trong việc quản lý đất đai từ người dân và cuộc chiến chống nạn bôi trơn sổ đỏ còn ì ạch.


Trong công văn gửi các Sở Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết từ năm 2015 đến nay, Tổng cục chỉ nhận được báo cáo của 30 địa phương về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai và chưa có tỉnh nào báo cáo kết quả xử lý vi phạm đối với các tổ chức. Trong khi đó, việc thành lập và xử lý thông tin tiếp nhận qua đường dây nóng về vấn nạn “bôi trơn” sổ đỏ còn chậm và hiệu quả không cao.

Để thúc đẩy cuộc chiến chống nạn bôi trơn sổ đỏ, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị các sở thực hiện rà soát, công khai các tổ chức sử dụng đất đang có vi phạm pháp luật đất đai và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về vi phạm pháp luật đất đai.

Công văn cũng chỉ rõ trong thời gian qua nhiều tỉnh, thành phố còn chưa thực hiện nghiêm túc việc báo cáo về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, Tổng cục đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đăng công khai các tổ chức sử dụng đất đang có vi phạm pháp luật đất đai mà chưa xử lý xong vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời gửi Tổng cục Quản lý Đất đai để tổng hợp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng cục cũng yêu cầu các địa phương báo cáo việc thành lập, công bố đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân về các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai và tình trạng nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và phải báo cáo về Tổng cục Quản lý đất đai định kỳ 6 tháng một lần kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của địa phương.

Tổng cục cũng yêu cầu các địa phương đã thiết lập đường dây nóng mà chưa nhận được thông tin phản ánh nào phải xem lại việc tổ chức thực hiện để chấn chỉnh kịp thời và trong trường hợp cần thiết, phải công bố lại đường dây nóng trên các phương tiện thông đại chúng để người dân biết và phản ánh.

Theo điều tra PAPI 2015, tỷ lệ người dân phải có chi phí bôi trơn để làm xong sổ đỏ có xu hướng tăng và chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp. Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động