Nếu chiếu theo tinh thần dự thảo của Sở TN&MT, sắp tới rất nhiều hồ sơ các khu đất đã hoặc đang tách thửa dang dở tại các quận, huyện sẽ bị ảnh hưởng.
Việc Sở TN&MT TP.HCM xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện Quyết định 33/2014 quy định diện tích tối thiểu để tách thửa là cần thiết để các quận, huyện áp dụng thống nhất và ngăn chặn những biến tướng.
Thế nhưng đề xuất của Sở này được cho là vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt là sẽ có những trường hợp ngay tình bị ảnh hưởng quyền lợi…
Nhiều hồ sơ sẽ bị ách
Ông LVC có mảnh đất gần 1.000 m2 đã chuyển mục đích sử dụng thành đất ở tại quận Thủ Đức. Theo quy hoạch 1/2.000 đã được phê duyệt, đất của ông thuộc khu dân cư xây dựng mới. Có nhu cầu tách thửa đất để cho con một ít nền và bán một ít nền, ông C. làm thủ tục xin tách thửa theo Quyết định 33.
Theo hướng dẫn của quận, ông C. lập phương án hạ tầng kỹ thuật để được phê duyệt trước khi xem xét tách khu đất thành nhiều thửa. Đầu tư làm đường sá, điện nước, cống thoát nước… xong, ông nộp hồ sơ xin phê duyệt phương án hạ tầng kỹ thuật và được UBND quận xác nhận. Nhưng đùng một cái ông được thông báo quận Thủ Đức tạm dừng giải quyết các hồ sơ xin tách thửa đất theo Quyết định 33 để chờ TP có hướng dẫn mới.
Giờ đây, trong dự thảo hướng dẫn sửa Quyết định 33 (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-8), Sở TN&MT cho hay chỉ giải quyết tách thửa cho thửa đất thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu. Sở cho rằng các quận, huyện áp dụng Quyết định 33 để giải quyết cho tách thửa đối với khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư xây dựng mới là chưa phù hợp. Như vậy, theo tinh thần của dự thảo, sắp tới khu đất mà ông C. đã đóng tiền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, đã bỏ tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật và được phê duyệt phương án hạ tầng kỹ thuật sẽ không được giải quyết cho tách thửa nữa.
![]()
Một khu đất đang được phân lô trên đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM. Nhiều chủ đất cho hay đang hồi hộp chờ hướng dẫn của Sở TN&MT để biết trường hợp của mình được giải quyết như thế nào. Ảnh: V.HOA
|
Ông Lê Xuân Huân, ngụ quận Thủ Đức có mua nền đất tại một dự án phân lô trên đường 22, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Trao đổi với PV, ông Huân lo ngại không rõ tới đây những khu đất đã được quận cho tách thửa và đang làm hạ tầng như dự án ông đã mua sẽ được xử lý như thế nào. Trong trường hợp phải ngưng lại thì người thiệt thòi nhất vẫn là người mua nền đất như ông.
Về dự thảo sửa đổi Quyết định 33, ông Huân tỏ ra băn khoăn về việc chỉ cho tách thửa đối với đất quy hoạch là khu dân cư hiện hữu. Ông Huân phân tích nhiều người dân trước đây có nhà đất trong quy hoạch, sau đó được xóa quy hoạch nhưng lại chuyển sang đất xây dựng mới. Như vậy, người dân bao lâu nay bị “treo” hết mọi quyền lợi về nhà đất sẽ vẫn tiếp tục bị “treo”.
Từ tháng 3-2016, quận 9 tạm ngừng không giải quyết hồ sơ tách thửa cho các tổ chức cũng như cá nhân trên địa bàn để rà soát lại vấn đề tách thửa. Đến nay, quận vẫn chưa nhận giải quyết hồ sơ mà chờ TP sửa Quyết định 33 hoặc có hướng dẫn thì sẽ áp dụng thực hiện.
Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Phó Chủ tịch UBND quận 9
___________________________________
Quận Thủ Đức cũng đang tạm ngừng không giải quyết các hồ sơ xin làm hạ tầng giao thông để tách thửa. Lý do là Quyết định 33 chưa nói cụ thể các chỉ tiêu về hạ tầng như trường học, sân chơi,… nên quận chờ đến khi có hướng dẫn của Sở TN&MT thì mới giải quyết. Đối với những trường hợp xin tách thửa đã đủ hạ tầng, đường giao thông thì vẫn giải quyết bình thường.
Một lãnh đạo quận Thủ Đức
Về yêu cầu chỉ cho tách thửa với điều kiện là đất dân cư hiện hữu, tôi đề nghị như sau: Với quy hoạch là đất xây dựng mới, Nhà nước nên bỏ kinh phí ra để làm quy hoạch chi tiết 1/500. Trên cơ sở đã có quy hoạch cụ thể, biết rõ chức năng của từng khu vực thì cá nhân, tổ chức muốn tách thửa phải đóng góp tiền đầu tư vào hạ tầng chung. Như vậy, người dân có đất trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới cũng không bị ảnh hưởng.
Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè (nguyên phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè phụ trách đô thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: