Top

Bộ Tài chính nhận nhiều chất vấn về đất công bị ‘xẻ thịt’

Cập nhật 18/05/2018 09:11

Đại diện Bộ Tài chính cho biết tài sản công chỉ được sử dụng kinh doanh khi tài sản đó được giao thực hiện nhiệm vụ Nhà nước nhưng chưa sử dụng hết công suất.

Tại buổi họp báo về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chiều 17/5, nhiều phóng viên đã chất vấn Bộ Tài chính về việc thời gian qua, nhiều cơ quan sử dụng tài sản công để kinh doanh, nhiều trường hợp đất công bị “xẻ thịt”, nhất là các công viên, bảo tàng mở thêm quán cà phê, nhà hàng, bể bơi.


Khu đất hơn 32 ha tại Phước Kiển (Nhà Bè) được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ bất thường. Ảnh: Lê Quân.

Thậm chí, nhiều trường hợp đất công chuyển nhượng không qua đấu giá, dẫn đến thất thoát tài sản công.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết theo Luật Quản lý tài sản công, tài sản công chỉ được sử dụng kinh doanh khi tài sản đó được giao thực hiện nhiệm vụ Nhà nước nhưng chưa sử dụng hết công suất. Việc sử dụng đúng mục đích đầu tư xây dựng sẽ chặn dần tình trạng thất thoát tài sản công.

Ông Thịnh cũng thông tin số tiền thu được từ bán đất trong năm 2017 xấp xỉ 127.000 tỷ đồng, tiền cho thuê đất thu được là 27.000 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền cho thuê đất tăng dần qua các năm.

Một số chất vấn khác đề cập việc nhiều doanh nghiệp biếu tặng xe cho các cơ quan, dẫn đến việc khó quản lý. Đại diện Bộ Tài chính lý giải trong trường hợp nhận quà tặng của các tổ chức cá nhân, trước khi xác lập quyền sở hữu toàn dân và giao cho một đơn vị nào đó, bắt buộc phải thành lập hội đồng định giá.

"Điều này giúp định giá lại tài sản cho sát với giá thị trường. Việc định giá sẽ khắc phục được các cơ quan tiếp nhận tài sản sang quá mức so với tiêu chuẩn, định mức", ông Thịnh cho hay.

Ngoài ra, về việc hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại diện Bộ Tài chính thông tin Bộ đã chủ trì xây dựng 12 văn bản và ban hành 3 Thông tư hướng dẫn.

"Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng ký ban hành các Nghị định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn lại", ông Thịnh cho biết thêm.

Để đạt được mục tiêu của Luật, Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan cũng như quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công.

Trước đó, tháng 6/2017, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với 10 Chương, 134 Điều cụ thể hóa Điều 53 Hiến Pháp năm 2013. Trong đó, quy định đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước với tài sản công, chi tiết quản lý, sử dụng tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing