Top

Bình Định: Hầu hết xã phường sai phạm về đất đai

Cập nhật 25/05/2009 09:05

Ngành chức năng Bình Định mới có đợt tổng kiểm tra, rà soát và phát hiện 25.650 trường hợp lấn chiếm đất đai, giao đất, thu tiền đất không đúng quy định.

Có 147 trong tổng số 159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.

Tăng gần 3.000 vụ sai phạm mỗi năm

Đây là kết quả thực hiện Quyết định 15/2008/QĐ-UBND (ngày 30/11/2008) của tỉnh về việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Bình Định.

Qua kiểm tra phát hiện 25.650 trường hợp vi phạm, trong đó 20.205 trường hợp lấn chiếm và 5.445 trường hợp giao đất không đúng quy định, nâng con số vi phạm tăng lên gần 3.000 trường hợp mỗi năm.

Trưởng phòng Quản lý Đất đai, Sở TN&MT, ông Lê Văn Tùng cho biết: “Tình trạng lấn, chiếm đất đai, giao đất, thu tiền không đúng quy định diễn ra vô cùng phức tạp và lộn xộn. Qua tổng kiểm tra, rà soát đối với 11 huyện và thành phố, bước đầu cho thấy trung bình mỗi huyện có khoảng 2.000 trường hợp vi phạm, trong đó nổi cộm là lấn chiếm đất đai. Điển hình là ở các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và TP Quy Nhơn...”.

Tại huyện Tuy Phước, kiểm tra, rà soát 13/13 xã, thị trấn phát hiện tổng số 4.046 trường hợp lấn, chiếm đất (cho phép tồn tại 2.101 trường hợp, buộc tháo dỡ 298 trường hợp) và 663 trường hợp giao đất không đúng quy định.

Tiếp theo là TP Quy Nhơn có 20/21 xã, phường với 3.792 trường hợp vi phạm lấn, chiếm và 626 trường hợp giao đất không đúng quy định. Trong đó đặc biệt là các phường Quang Trung, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình ..., số trường hợp vi phạm lấn, chiếm đất đai ngày càng tăng và công khai. Tại Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn... số trường hợp vi phạm lấn chiếm tăng con số hàng ngàn trường hợp mỗi năm.

Không có tiền để xử lý vi phạm ?


Hàng chục ngàn vi phạm được phát hiện, nhưng hướng xử lý rốt ráo lại là chuyện không đơn giản. Về vấn đề này, ông Lê Văn Tùng tỏ ra cẩn trọng : “Đối với những trường hợp giao đất hay thu tiền đất không đúng quy định thì các ngành chức năng có thể “sửa sai, lập lại trật tự tùy vào mức độ”.

Còn đối với những trường hợp sai phạm lấn, chiếm đất, qua đo đạc phát hiện những trường hợp có thể cho phép tồn tại nhưng họ không đủ kinh phí để thực hiện quyền sử dụng đất, Sở TN&MT sẽ đại diện, trình kiến nghị xin tỉnh cho nợ tiền xung đất. Ngoài ra những trường hợp buộc phải tháo dỡ mà nơi sở tại đã nhỡ thu tiền sai quy định thì phải thực hiện việc đền bù và tháo dỡ ngay”.

Biện pháp là thế, nhưng để thực hiện việc xử lý sai phạm vẫn là vấn đề nan giải. Từ khâu rà soát, đến giải quyết, xử lý phải có một nguồn kinh phí nhất định.

Vấn đề sai phạm về đất đai tồn tại thời gian dài và vô cùng phức tạp cần phải được giải quyết công bằng, công khai và lâu dài - ông Tùng nói thêm. Nếu như trước năm 1993, Bình Định chỉ có 3.500 trường hợp vi phạm đất đai thì, đến giai đoạn năm 2004, lên tới 14.485 trường hợp. Hiện tại con số vi phạm lên tới trên 25.600 trường hợp.

Việc xử lý từ việc đo đạc, thống kê, tổng hợp, hay cưỡng chế tháo dỡ dù chỉ một ngôi nhà cũng cần phải có đủ mặt các lực lượng, thành phần đại diện của cơ quan chức năng, cũng như các điều kiện về nhân lực, vật lực, kinh phí.

Ngày 29/4, UBND tỉnh Bình Định có văn bản (số 1264/UBND-NĐ) quy định về kinh phí phục vụ công tác xử lý lấn chiếm đất đai, đất giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định... Theo đó, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tự cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cấp mình để thực hiện nhiệm vụ xử lý.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong