Chủ tịch huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn: “Phải xử lý dứt điểm 100% nhà xây trái phép”. Ảnh: Ái Phương. |
Thêm biến tướng tinh vi của việc vi phạm môi trường: Giả mua thùng phuy về súc rửa nhưng thực chất là để lén đổ hóa chất độc hại.
“Kiên quyết xử lý nhà xây trái pháp luật, buộc chấm dứt hoạt động các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn huyện Bình Chánh”. Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Trọng Tuấn đã bày tỏ thái độ dứt khoát tại hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và môi trường sáu tháng đầu năm 2009 vào hôm qua (22-7).
Xã than khó vì... khách quan
Tại hội nghị, ba xã bị coi là có nhiều vi phạm nhất trong hoạt động xây dựng ở huyện Bình Chánh là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng lần lượt trình bày lý do. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ông Võ Hoàng Triều giải thích do xã cách trung tâm thành phố chỉ có 15 km nên thu hút dân nhập cư, người bị giải tỏa nhà đến xây nhà trái phép. Ông Triều nói: “Người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở và họ đã bỏ tiền ra mua đất rồi. Xã không thể cam kết giải quyết dứt điểm 100% các vụ vi phạm được”.
Còn ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, lại cho rằng lực lượng cán bộ phụ trách ở xã quá mỏng, trong khi người dân lại có nhiều cách “lách”. Nhiều người xây nhà không cần làm móng, nhà diện tích nhỏ nên hoàn thành nhanh. Sau đó, họ khẩn trương đưa người già, trẻ em vào ở nên xã rất khó xử lý. Ngoài ra, mức xử phạt cho hành vi xây nhà trái phép còn quá thấp nên tính răn đe không cao.
Đại diện xã Bình Hưng lại đưa lý do nhiều dự án chậm thực hiện. Ở xã có một dự án đã được phê duyệt từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi đất, do vậy người dân sống trong vùng đó ngang nhiên xây nhà trái phép để ở. Đại diện các xã khác còn đưa ra nhiều lý do khác như người dân xin cất chòi trông vườn, sau đó “biến” thành kho xưởng, nhà ở, nhà cho thuê...
Huyện: Hoàn toàn có thể dẹp!
Sau khi nghe các xã trình bày ý kiến, Chủ tịch huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn, nhận xét: “Phần lớn người xây nhà trái phép từ địa phương khác tới nhưng đất không tự động ở nơi khác tới. Vậy xã hoàn toàn có thể tìm ra người sử dụng đất hợp lệ, hợp pháp để xử lý. Ta nói dẹp 100% các trường hợp xây nhà trái phép không có nghĩa là không có vi phạm nào. Vi phạm vẫn xảy ra là vì chính quyền không thể ngăn chặn, kiểm tra kịp thời. Nhưng một khi điều này đã xảy ra thì phải xử lý dứt điểm. Phải làm sao không còn căn nhà nào xây dựng trái pháp luật được sừng sững tồn tại”.
Ngoài việc chỉ đạo cấp dưới rà soát các quy định pháp luật để giải quyết vấn nạn, nhiều người biến chòi giữ vườn thành nhà ở, ông Tuấn còn nhấn mạnh: Giải pháp căn cơ, bền vững để xử lý nhà trái phép là phải khẩn trương thực hiện quy hoạch xây dựng, thực hiện các dự án còn chậm trễ, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Ông dẫn chứng bằng sự kiện mới xảy ra ngày 24-6: Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố hình sự và bắt tạm giam Phan Văn Mập về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Trước đó, Mập được coi như một trùm đầu nậu phân lô bán nền trái phép khét tiếng ở xã Vĩnh Lộc B. Sau khi Mập bị bắt, số vụ vi phạm về xây dựng ở Vĩnh Lộc B giảm đến 60%. Ông Tuấn hứa: “Chuyện ngày 24-6 chưa phải đã kết thúc. Nếu có trường hợp nào khác đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cần xử lý hình sự ngay. Nếu cán bộ quản lý địa bàn không xử lý, phát hiện sai phạm kịp thời thì cũng bị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm”.
Tại hội nghị, đại diện các xã thống nhất việc phối hợp tốt sẽ là nền tảng quan trọng trong giải quyết vấn nạn xây nhà sai phép. Để kịp thời xử lý các sai phạm, nhiều khi chỉ cần một cú điện thoại là đủ. Mới đây, khi nhận thông tin về một trường hợp xây nhà trái phép ở xã Vĩnh Lộc B, ông Tuấn liền điện thoại xuống xã. Ngay sau đó, xã đến kiểm tra và buộc chủ nhà phải khôi phục hiện trạng ban đầu. Việc phối hợp thực hiện còn giúp tránh xảy ra tình trạng đối tượng vi phạm chuyển vùng hoạt động: Hễ xã này làm căng thì “nhảy” qua xã khác.
Môi trường: Khó nhưng không phải bí
Không chỉ xoay quanh vấn đề đất đai, xây dựng, các đại biểu còn bàn cách “cứu” môi trường ô nhiễm. Trung tá Lê Văn Vũ, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP, chia sẻ: “Trước kia, TP có bao nhiêu rác thì cứ “tống” về Bình Chánh, bây giờ bảo Bình Chánh trong ngày một, ngày hai phải dọn sạch hết thì rất khó”. Ông Vũ nhận xét trong sáu tháng đầu năm 2009, tình hình môi trường ở Bình Chánh đã tốt hơn so với năm 2008. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý các xã một biến tướng tinh vi của hành vi vi phạm về môi trường: Nhiều cơ sở mua thùng phuy về súc rửa nhưng thực chất là lén đổ hóa chất độc hại.
Khi nghe các xã “than” việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường chuyển sang hoạt động vào ban đêm nên khó kiểm tra, xử lý, trung tá Vũ nói ngay: “Làm ban đêm thì có gì mà không kiểm tra được?”. Đồng tình với trung tá Vũ, Chủ tịch huyện Trần Trọng Tuấn, yêu cầu: “Các xã phải chốt danh sách những cơ sở gây ô nhiễm rồi từng bước xử lý, buộc chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư. Từ nay đến hết tháng 12-2009, phải đảm bảo trên địa bàn các xã không còn tồn tại các cơ sở trên. Khó nhưng không phải không làm được”.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: