Top

Góc khuất nhà tái định cư: Nhà bỏ không, dân thiếu chỗ ở

Cập nhật 22/07/2009 14:05

Khu nhà tái định cư 4F Trung Yên chỉ có khoảng 30 hộ thuộc diện tái định cư đang sinh sống. Ảnh: Chí Cường

Trong khi hàng nghìn người dân đô thị đang mơ ước về những ngôi nhà giá rẻ thì những căn hộ giá 6-7 triệu đồng/m² lại rơi vào tay giới đầu cơ.

Các cơ quan chuyên trách đang loay hoay với bài toán nhà giá thấp cho người dân đô thị, thì vẫn có hàng nghìn ngôi nhà, xây xong đóng cửa bỏ đấy hoặc sử dụng sai đối tượng.

Gần 2.000 căn nhà bỏ không

Tại phiên giám sát giữa hai kỳ họp của HĐND TP Hà Nội ngày 21/4 có một báo cáo rất đáng chú ý. Đó là thống kê của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - cơ quan quản lý quỹ nhà tái định cư của thành phố. Theo báo cáo này, tính đến ngày 10/4/2009, thành phố vẫn còn 1.759 căn hộ tái định cư bỏ trống. Còn theo một báo cáo khác của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, năm 2008, tại các khu đô thị mới, khu nhà ở cao tầng trên toàn địa bàn thành phố còn “tồn đọng” 3.949 căn hộ thuộc quỹ điều tiết nhà của thành phố chưa bố trí vào việc gì và chưa cấp cho ai cụ thể.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Bùi Quốc Dũng, Phó phòng Quản lý Quỹ nhà tái định cư và nhà ở xã hội (Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho biết, hiện công ty đang quản lý 8.901 căn hộ tái định cư. Trong số đó 7.186 căn đã có quyết định giao nhà, chính thức bàn giao 6.962 căn, tức là vẫn còn 1.939 căn hiện chưa có người ở. Giải thích về nghịch lý trong khi thành phố luôn “kêu” thiếu nhà tái định cư thì lại có gần 2.000 căn hộ bỏ trống, có toà nhà xây xong đến hàng năm trời không bàn giao được, ông Dũng cho rằng: Đó là do phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi khu tái định cư có thể đã được bố trí cho việc giải phóng mặt bằng của một dự án thì không thể bố trí cho dự án khác. Dù tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, nhà bỏ không cũng đành phải chịu (?!).

Theo ông Dũng, hiện công ty cũng được giao nhiệm vụ quản lý các khu tập thể cũ trong thành phố. Hiện toàn thành phố có 77 khu nhà nguy hiểm, chung cư cũ nát cần cải tạo, xây mới. Để tránh lãng phí, thành phố có thể huy động luôn quỹ nhà này để người dân ở các khu tập thể cũ này ở tạm trong khi chờ nhà cải tạo xong. “Tuy nhiên, cái đó do thành phố điều phối. Đơn vị chỉ giữ vai trò thủ kho cho thành phố”, ông Dũng nói.

Lãng phí hàng nghìn tỉ đồng

Người ta có thể tạm bằng lòng với cách giải thích của ông Dũng, tuy nhiên, sự lãng phí các căn hộ tái định cư này, nên được nhìn nhận theo một khía cạnh khác. Đến giờ vẫn chưa có một con số thống kê chính thức nào về tỷ lệ số hộ dân thuộc diện tái định cư đang ở trong 9.692 căn hộ đã được bàn giao. Theo ước tính của ông Dũng, có khoảng 20-30% người dân tái định cư đã bán lại nhà của họ dưới dạng ủy quyền.

Theo ước tính, đến năm 2010, riêng số căn hộ phục vụ cho mục đích tái định cư, giải phóng mặt bằng, Hà Nội còn thiếu khoảng 15.000 căn hộ. Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội dự kiến chi 13.865 tỷ đồng để xây nhà giá thấp trong giai đoạn 2009 – 2015, phục vụ nhu cầu cấp bách về nhà ở cho khoảng 33.000 hộ gia đình.


Nhưng theo một thống kê của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, có đến 60-70% người dân sau khi nhận nhà tái định cư đã bán tống bán tháo để tìm mua nơi khác. Như ở khu tái định cư 4F Trung Yên, ông Tuấn Anh, tổ trưởng dân phố cho biết, trong 195 hộ dân ở đây chỉ còn khoảng 30 hộ là đúng thuộc diện tái định cư ban đầu, số còn lại đều đã mua đi bán lại qua 2 - 3 chủ.

Rõ ràng, đã có một nghịch lý về sự thừa - thiếu ở đây. Trong khi thành phố luôn than thiếu nhà giá rẻ, nhà tái định cư thì những căn nhà tái định cư xây xong lại để trống hoặc sử dụng sai đối tượng. Nếu biết rằng, để có được quỹ nhà ở xã hội với mức giá ưu đãi này, thành phố phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách để trực tiếp đầu tư xây dựng hoặc đặt hàng mua lại nhà của các dự án, thì rõ ràng đây là một sự lãng phí lớn.

Ở một khía cạnh khác, mục đích của thành phố trong việc tạo quỹ nhà giá rẻ là để điều tiết thị trường, giải quyết nhu cầu nhà giá rẻ cho người dân đô thị. Tuy nhiên, những căn nhà giá rẻ, nhà tái định cư của thành phố khi đến tay những người có nhu cầu thực thì giá đã bị thổi lên gấp 2-3 lần. Trong trường hợp này, những người được lợi nhiều nhất lại là giới đầu cơ. Chỉ bằng việc mua đi bán lại những suất nhà được xây bằng ngân sách của thành phố, họ có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi căn, như Báo GĐ&XH đã phản ánh ở số báo 86. Với cách thức mua bán trao tay như đang diễn ra, Nhà nước khó có thể thu được một đồng thuế nào từ việc mua bán này.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình