Top

Bến xe Miền Đông ở thế ‘đi thì dở, ở không xong’

Cập nhật 25/09/2018 09:33

Theo kế hoạch, trong quý I-2019 sẽ bắt đầu dời một số tuyến xe khách ra Bến xe Miền Đông mới nhưng theo các chuyên gia giao thông đây là việc không hề đơn giản…

Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) vừa cho biết dự kiến nhà ga hành khách của Bến xe Miền Đông mới (quận 9) sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2018 và sẽ đưa vào khai thác từ quý I-2019. Bước đầu sẽ di dời một tuyến xe khách từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại từ bến xe hiện hữu ra bến mới. Thông tin trên đang gây băn khoăn, lo ngại cho các hãng xe và lúng túng từ cơ quan tổ chức giao thông vận tải.

Các hãng xe phải “chạy”

Theo ông Nguyễn Cao Phú, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, hiện tại bến cũ (tại quận Bình Thạnh) có 32/160 tuyến xe khách đi các tỉnh phía Bắc (tính từ Huế trở ra và có cự ly từ trên 1.000 km). Đây là những tuyến xe đầu tiên sẽ phải di dời ra bến mới từ năm 2019.

Ông Phú cho biết theo quy định hiện hành, để đưa bến mới vào hoạt động và do quy mô Bến xe Miền Đông mới là bến tầm cỡ quốc gia nên trước nhất phải có thủ tục công bố bến mới (chứ không chỉ là thay thế tên bến cũ-mới) do Bộ GTVT thực hiện. Đây là thủ tục rất nhiêu khê, phức tạp… Vì lẽ các chuyên gia của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, của Bộ GTVT phải vào thị sát, kiểm tra toàn bộ diện tích xây dựng bến mới có đủ chuẩn quy định, các hạng mục an toàn cháy nổ, tỉ lệ đất dành cho cây xanh có đủ hay không, các phân khu chức năng được xây dựng như thế nào, kết nối ra sao… Sau khi thị sát, kiểm tra, nếu đáp ứng được các vấn đề trên thì mới công bố bến.

“Do Bến xe Miền Đông mới không chỉ là bến liên tỉnh quốc gia mà trong tương lai còn là bến quốc tế dành cho các loại xe khách liên vận Việt Nam - Lào - Campuchia hoặc cả của Thái Lan nên việc thị sát, kiểm tra, công nhận, công bố bến phải thực hiện chặt chẽ, mất thời gian 4-6 tháng” - một quan chức Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Đối với các hãng xe khách, trước khi dời ra bến mới cách bến cũ 20 km thì hãng phải làm phương án lộ trình chạy xe mới để thỏa điều kiện thay đổi, điều chỉnh tuyến. Ông Lý Văn Thông, Giám đốc HTX Trung Nam, cho biết HTX đã hoạt động hơn 40 năm ở Bến xe Miền Đông và hiện có 5/25 tuyến xe chạy ra phía Bắc. Do các tuyến đều có cự ly trên 1.000 km nên sắp tới dời chuyển ra bến mới thì HTX phải lập phương án kinh doanh mới, lộ trình chạy xe, đăng ký số đầu xe khai thác… để trình ra Bộ GTVT. “Nói chung coi như là HTX phải làm các thủ tục để được công nhận chạy xe trên tuyến mới (dù chỉ cách tuyến cũ 20 km) và đây không phải là việc đơn giản” - ông Thông nói.

Một góc công trình Bến xe Miền Đông mới đang được xây dựng. Ảnh: LƯU ĐỨC

Bí đường vào ra

Không chỉ các quy định gây “khó” cho các hãng xe di dời, Bến xe Miền Đông mới cũng chưa thể có hệ thống giao thông hoàn chỉnh kết nối với khu vực xung quanh để đảm bảo hoạt động thuận lợi, an toàn. Theo quy hoạch tổng thể, trước cổng ra vào Bến xe Miền Đông mới sẽ có cầu vượt trên xa lộ Hà Nội. Khi đó các dòng xe ra vào Bến xe Miền Đông mới sẽ chui dưới tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên và cầu vượt này để không gây giao cắt, xung đột với dòng xe chạy thẳng trên xa lộ Hà Nội. Theo kế hoạch trước đây, cầu vượt trực thông trên phải xây dựng đồng bộ, hoàn thành cùng lúc đưa bến xe mới vào hoạt động.

Tuy nhiên, ngày 24-9, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT TP), cho biết quy mô, kết cấu, hướng tuyến của cây cầu vượt trên đang được xem xét điều chỉnh lại. Vì lẽ mới đây tỉnh Bình Dương cho biết sẽ làm một nhánh đường nối từ đoạn cuối của cao tốc Mỹ Phước-Tân Vạn ra xa lộ Hà Nội và kết nối vào trước bến xe mới. “Như vậy, trước Bến xe Miền Đông mới sẽ là một nút giao có quy mô lớn chứ không chỉ là cầu vượt trực thông. Vì vậy phải chờ điều chỉnh thiết kế, quy mô nút này” - ông Hùng giải thích.

Chưa hết, trước Bến xe Miền Đông là đoạn dài của xa lộ Hà Nội hiện chưa được mở rộng theo đúng quy hoạch. Thế nên khi bến này hoạt động, mở cửa ra xa lộ Hà Nội thì tại khu vực sẽ xảy ra ùn tắc, xung đột giữa xe ra vào bến và xe chạy thẳng. “Mục đích dời Bến xe Miền Đông ra bến mới nhằm kéo giảm ùn tắc trong nội đô nhưng ra bến mới thì lại xuất hiện điểm ùn tắc mới ngay trước bến xe và sẽ ùn tắc nặng hơn khi bến mới hoạt động” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông Nguyễn Cao Phú nhận định.

Đề cập đến các khó khăn trong việc di dời Bến xe Miền Đông, chiều 24-9, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng (Sở GTVT TP), cho biết hiện vẫn chưa có phương án tổ chức giao thông, phân luồng tại khu vực trước và xung quanh Bến xe Miền Đông mới để phục vụ cho bến này hoạt động an toàn, tiện lợi cho dân đi lại. “Dự kiến thời gian tới Sở GTVT, UBND TP sẽ có cuộc họp bàn về tổ chức giao thông tại đây” - ông Đường cho hay.

Các tuyến xe buýt chưa mặn mà

Theo kế hoạch được Sở GTVT TP đưa ra, dự kiến có 14 tuyến xe buýt từ nội thành và từ các tỉnh lân cận hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới. Sở GTVT TP dự kiến điều chỉnh luồng tuyến, điểm đầu cuối của 5-6 tuyến có trợ giá; số tuyến còn lại là không trợ giá.

Theo các đơn vị xe buýt, việc điều chỉnh luồng tuyến sẽ làm tăng-giảm tiền trợ giá ở 5-6 tuyến trên và tăng-giảm giá vé ở các tuyến không trợ giá. “Trợ giá và quy định giá vé không phải là vấn đề đơn giản. Nếu Sở GTVT không tính toán trước, tính kỹ thì sẽ không hấp dẫn các đơn vị tham gia” - giám đốc một HTX xe buýt cho hay.

Cạnh đó, phải đến sau năm 2020 tuyến metro số 1 mới chính thức khai thác, lúc đó mới có một lượng khách đi từ hướng trung tâm khu vực Bến Thành ra bến mới. Còn các hướng như từ quận Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn thì phải đi xe buýt, taxi hoặc các loại xe khác ra bến mới. Như vậy “gánh nặng” lên xe buýt là rất lớn trong khi các đơn vị xe buýt chưa mặn mòi với việc chỉnh tuyến, lộ trình ra bến mới.

Bến mới với nhiều dịch vụ tiện ích

Samco vừa thực hiện nghi thức cất nóc nhà ga hành khách chính của dự án Bến xe Miền Đông mới, tọa lạc tại phường Long Bình, quận 9. Theo đó, khối nhà ga chính gồm hai tầng hầm, bốn tầng nổi với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60.000 m2. Đến nay khu vực dành cho xe buýt rộng hơn 2.000 m2 với năng lực lưu đậu, thông qua cho hơn 100 xe đi đến, đón trả khách đã xong toàn bộ phần hạ tầng và những ngày tới sẽ thi công các hạng mục kỹ thuật phía trên. Khu vực phía sau nhà ga chính dành cho xe vào đón trả khách, khu xe chờ, đậu qua đêm cũng đã xong phần nền hạ, các công trình phụ trợ...

Bến xe Miền Đông mới sẽ được vận hành theo mô hình được nghiên cứu, tham khảo từ các bến xe hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản,… kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý. Cụ thể là áp dụng các phần mềm quản lý liên kết bao gồm phần mềm quản lý xe ra vào bến (kết nối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam) hoàn toàn tự động bằng thẻ, phần mềm tài chính (kết nối với Tổng Công ty Samco), phần mềm bán vé trực tuyến, phần mềm quản lý nhân sự và phần mềm văn phòng điện tử...

Bến xe Miền Đông mới dự kiến sử dụng cài đặt tiện ích (app) trên điện thoại di động thông minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tra cứu thông tin và sử dụng các dịch vụ của bến xe (bao gồm tìm tuyến xe, giờ khởi hành, số chuyến, giá vé, đặt mua vé, đặt chỗ…).

Được biết dự án Bến xe Miền Đông mới là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha (rộng gấp ba lần so với Bến xe Miền Đông hiện hữu), trong đó diện tích ở TP.HCM là 12,3 ha, phần còn lại thuộc Bình Dương.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO