Top

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Chậm giao vốn vì các địa phương chưa xong thủ tục

Cập nhật 25/09/2018 09:08

Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cho rằng chậm giao vốn đầu tư công chủ yếu do các địa phương chưa xong thủ tục theo quy định của Luật.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáng 24/9 với các địa phương lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức, một lần nữa chuyện chậm giao vốn, giải ngân đầu tư công và giao vốn nhiều lần được đại diện các địa phương đề cập.

Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó chủ tịch UBND Hà Nội tỏ ra sốt ruột về việc giao vốn đầu tư công khi thời gian thủ tục lâu hơn trước. "Quá trình chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư kéo dài, dẫn tới tình trạng nửa đầu năm giải ngân vốn đầu tư công rất chậm và dồn toa vào những tháng cuối năm", ông Toản nói. Đại diện UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch nghiên cứu, đưa về quy trình phê duyệt, bố trí vốn cho dự án như trước đây, nghĩa là bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, bản thân và Bộ Kế hoạch cũng chịu nhiều áp lực, sức ép từ cấp có thẩm quyền và nhận được nhiều câu hỏi "vì sao giao vốn chậm, giao nhiều lần, vốn giao rồi không giải ngân được"...

Số liệu của Bộ Kế hoạch cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đến hết tháng 8 đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn trong nước 48,63%, vốn nước ngoài hơn 27%.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Khẳng định Luật Đầu tư công trong quá trình thực hiện 3 năm qua đã hạn chế tình trạng lãng phí, đầu tư dàn trải, nhưng theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những vướng mắc như Phó chủ tịch UBND Hà Nội đề cập cũng xảy ra tại một số địa phương, lĩnh vực khi lần đầu tiên thực hiện theo kế hoạch đầu tư công 5 năm, thay vì từng năm như trước đây.

Lý giải chuyện giao vốn chậm, Bộ trưởng Dũng cho rằng, nguyên nhân phần lớn do các bộ, ngành, địa phương không hoàn thành đủ thủ tục theo quy định của luật, nên không thể giao được vốn. Còn giải ngân vốn chậm cũng do khâu thực hiện chưa trơn tru, điển hình là thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, còn nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra thực trạng đầu tư còn ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương. Việc huy động vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư (PPP) còn nhiều bất cập, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng.

Ông đề nghị các địa phương tập trung gỡ khó, ách tắc, chỉ ra điểm nào ách tắc, cái nào thuộc Luật Đầu tư, cái nào do Nghị định, do tổ chức thực hiện địa phương... phải phân định rõ. Với kế hoạch đầu tư vốn năm 2018 không có nhu cầu sử dụng hoặc không có khả năng giải ngân hết trong năm nay, trưởng ngành kế hoạch đề nghị các bộ, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước hoặc điều chuyển cho dự án khác có khả năng giải ngân tốt hơn.

"Nhiều công đoạn nếu không quyết liệt, mỗi thứ chậm một chút thì không thể khắc phục được thực trạng hiện nay là dồn toa giải ngân vào cuối năm", ông Dũng nói.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 điều để tháo gỡ khó khăn liên quan tới thủ tục đầu tư dự án sử dụng vốn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương... giúp các bộ, ngành chủ động trong thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Cách đây một tuần, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, 18 nhóm vấn đề chính sách được Chính phủ xác định sửa đổi là quy định liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo hướng phân cấp, do người đứng đầu cơ quan trung ương và chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều chỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật, báo cáo lại Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát...

Qua thảo luận, cơ quan thường trực Quốc hội quyết định chỉ sửa một số bất cập, ách tắc trong Luật Đầu tư chứ không sửa luật này toàn diện. Việc sửa đổi Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10.  

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress