“Đại gia” mệt mỏi vì tin đồn nợ khủng hay nhiều dự án BĐS "khủng" đang trở thành sân bóng,... là những thông tin "nóng" nhất tuần qua.
Bầu Đức “đính chính” nợ khủng
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho rằng những thông tin về khoản nợ trên 15.000 tỷ đồng là chưa được hiểu đúng. Thực chất khoản nợ mà doanh nghiệp này phải trả lãi chỉ là 6.435 tỷ đồng. Vị Chủ tịch Tập đoàn HAGL cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp mơ tỷ lệ nợ này mà không được.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết mấy ngày qua lãnh đạo của tập đoàn "mệt mỏi" trước thông tin báo chí về khoản nợ "khủng", nợ xấu mà tập đoàn đang phải "gánh".
Bầu Đức mệt mỏi vì tin đồn nợ khủng
Theo ông Đức, HAGL là công ty niêm yết có trên 10 ngàn cổ đông, trong đó không ít tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều cổ đông nhỏ, ít hiểu biết về tài chính, nếu nghe thông tin này rất có thể họ sẽ bán tháo thành một làn sóng bỏ chạy...Tuy nhiên, rất may trong cơ cấu cổ đông của HAGL có nhiều cổ đông lớn, chuyên nghiệp nên trước thông tin trên, họ gần như không quan tâm tới. Rõ nhất là sau 4 ngày qua, tuy thị trường chứng khoán TPHCM xuống liên tục nhưng cổ phiếu HAGL vẫn lên cao và không có người bán.
Chủ tịch HĐQT tập đoàn HAGL đưa ra con số, theo kiểm toán đến cuối năm 2011, đúng là HAGL có khoản nợ phải trả 15.600 tỷ.
Có điều khoản nợ phải trả khác với nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng (phải trả lãi suất). Cụ thể, trong khoản nợ phải trả 15.600 tỷ, thì nợ các tổ chức tín dụng và ngân hàng được xác định là 11.628 tỷ đồng.
"Nếu nói về nợ thuần, phải lấy nợ trừ tiền mặt có trong tài khoản tập đoàn là 2.893 tỷ đồng, như vậy khoản nợ thực tế là 8.735 tỷ đồng. Tính luôn 2.300 tỷ đồng tiền trái phiếu chuyển đổi của tập đoàn Temasek Holdings (Singapore), thì số nợ thực tế là 8.735 tỷ - 2.300 tỷ, còn 6.435 tỷ đồng.
"Có thể khẳng định số nợ chính thức hợp nhất của HAGL là 6.435 tỷ phải trả cho các tổ chức tín dụng, chứ không phải con số 15.500 tỷ như dư luận và một số ý kiến phát biểu vừa qua"
Đến giai đoạn này, HAGL có vốn chủ sở hữu là 9.384 tỷ; tổng tài sản là 25.500 tỷ. Nếu tính trên tỷ lệ nợ trên tổng tài sản thì tổng tài sản của HAGL là 25%, không phải 63% như các kênh thông tin khác phản ánh.
Theo vị chủ tịch này, HAGL vẫn còn các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, số tiền 2.440 tỷ đồng (đây là tiền bán căn hộ đã được khách hàng nộp 70%, còn lại 30% phải thu); tiền trả cho người bán hàng 2.000 tỷ (ứng tiền cho các nhà thầu); hàng tồn kho 4422 tỷ (chủ yếu là căn hộ đã xây hoàn thiện, giá vốn là 7 triệu đồng/m2)
"Nếu định giá lại toàn bộ tài sản của HAGL có thể lên tới trên 50 ngàn tỷ đồng chứ không dừng lại ở con số 25 ngàn tỷ đồng. Tất cả khoản vay đề có thế chấp tài sản lên tới 200%. Ngân hàng họ soi rất kỹ, dự án không khả thi thì không thể vay được, chứ không thể cho vay dễ dàng như dư luận nói" - ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định.
Dự án bất động sản thành… sân bóng
Trong bối cảnh thị bất động sản mất thanh khoản kéo dài, nhiều chủ đầu tư thay vì triển khai dự án đã chuyển sang cho thuê mặt bằng làm sân bóng đá.
Theo khảo sát của phóng viên, riêng tại các khu vực Trung Hòa, Nam Trung Yên, (thuộc quận Cầu Giấy), Mỹ Đình (thuộc huyện Từ Liêm) đã có trên dưới 20 sân bóng đá.
Tại dự án nhà ở hỗn hợp địa chỉ số 216 đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa), ô đất thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long đã được cải tạo thành một sân bóng đá rất đắt khách.
Tại Dự án Nam Đàn Plaza, rộng gần 10.000 m2 có địa chỉ tại Lô E2.1 trên đường Phạm Hùng (Mỹ Đình, Từ Liêm), dự án do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Transco,. JSC) hợp tác đầu tư xây dựng cũng chung số phận.
Thực tế, không chỉ Dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng và dự án tổ hợp 216 Trần Duy Hưng bị "đổi vận" trong cơn bĩ cực của thị trường BĐS.
Bởi tại xã Mỹ Đình và Khu đô thị Nam Trung Yên, có rất nhiều ô đất là dự án nhà ở, trụ sở làm việc của các tổng công ty, nhưng chưa được triển khai do chủ dự án "dìm" tiến độ để... giữ đất, đã được chuyển đổi sang cho thuê kinh doanh sân bóng đá.
Thậm chí, có sân bóng đá còn chiếm dụng cả diện tích đất xây công viên, hồ nước, như sân bóng của Công ty Đầu tư Lê Gia Phát tại số 1 đường Hoàng Minh Giám, phường Trung Hòa.
Theo quy hoạch, khu vực sân bóng này thuộc dự án công viên giải trí - hồ điều hòa Nhân Chính, do CTCP Tập đoàn Vina Megastar làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong khi dự án công viên, hồ điều hòa chưa được triển khai, dự án này cũng đã tạm thời "chuyển đổi công năng" thành sân bóng đá!
Bị tăng phí, cư dân Golden Westlake nổi giận
Chiều 10/5, hàng trăm cư dân của khu chung cư Golden Westlake đã tụ tập dưới đại sảnh tòa nhà trung tâm yêu cầu Ban quản lý khu không được tăng giá phí trông giữ xe tại tầng hầm của tòa nhà.
Theo thông báo của Ban quản lý tòa nhà thì kể từ ngày 10/5, tất cả những cư dân chưa đóng tiền thuê chỗ đỗ xe theo giá mới sẽ bị khóa thẻ ra vào tầng hầm để xe.
Bức xúc với việc tăng giá khi chưa có thỏa thuận và chưa được sự nhất trí của những người dân đang sinh sống tại chung cư nên hàng trăm người đã đồng loạt đỗ xe ô tô kín đường vào tòa nhà để yêu cầu Ban quản lý phải đưa ra câu trả lời rõ ràng cho người dân trước khi tăng giá đột ngột như vậy.
Chị Hương, một cư dân của tòa nhà bức xúc: “Nếu Ban quản lý không cử người xuống gặp và trả lời những khúc mắc của người dân thì chúng tôi sẽ đỗ xe dưới sân như thế này không đi đâu cả. Nếu cần thì mai đi làm bằng taxi”.
Còn ông Trần Thanh Bình, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban đại diện của hơn 200 hộ Trước đó, Ban quản lý khu chung cư Golden Westlake đã gửi thông báo đến người dân ở đây thông báo việc tăng giá thuê chỗ đỗ xe dưới tầng hầm từ 1 triệu đồng/tháng lên 2 triệu đồng/tháng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: