Top

BĐS tồn kho giảm dần đều: Thật không, ai mua?

Cập nhật 09/09/2015 15:55

Cuối tháng 8/2015, lượng bất động sản tồn kho cả nước còn khoảng 60.299 tỷ đồng, giảm 3.444 tỷ đồng so với tháng 7/2015.

Đây là con số thống kê của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Trong số này, tồn kho căn hộ chung cư là 11.693 căn, tương đương 17.972 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng là 8.641 căn, tương đương 14.998 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là 7.081.554 m2, tương đương 22.784 tỷ đồng và tồn kho đất nền thương mại là 1.637.782 m2, tương đương 4.545 tỷ đồng.

Điều dễ thấy trong con số thống kê được công bố từ đầu năm 2015 tới nay là lượng tồn kho BĐS luôn giảm kỳ sau cao hơn kỳ trước.

Thế nhưng thực tế số lượng BĐS tồn kho khác so với các con số trên. Nói như chuyên gia BĐS Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thì ở đây có hai phần giảm: giảm về số lượng và giảm về giá trị.


Về số lượng, khoảng 10% dự án đã bắt đầu bán được hàng nhưng hàng tồn kho phải được hiểu như thế nào? Một công trình mới xây móng xong, chưa xây được căn hộ nào mà bán được thì không phải là giảm hàng tồn kho. Hoặc một chung cư xây dựng dở dang tới tầng 5, tầng 7 đã bán thì khi ấy mới chỉ là bán nửa thành phẩm chứ chưa gọi là thành phẩm.

Một ví dụ khác, do đầu tư hoặc mua đi bán lại dự án mà người ta bán được 100 sản phẩm thì 100 sản phẩm ấy không giải quyết được hàng tồn kho. Trong nhiều báo cáo nói rằng quý vừa rồi bán được 3.000 sản phẩm chẳng hạn, hàng tồn kho giảm. Thế nhưng, trong 3.000 sản phẩm đó có khi chỉ có 300 sản phẩm là tồn kho thật, còn 2.500 sản phẩm ở dạng bán thành phẩm hoặc chưa có thành phẩm. Cứ máy móc trừ đi là sai.

"Bởi vậy, đề cập đến hàng tồn kho là phải xem sau khi xây xong có căn hoàn chỉnh, bán được mới trừ đi, còn đang xây dở dang thì là bán thành phẩm chứ không thể nói giảm hàng tồn kho", ông Đực phân tích.

Về giá trị hàng tồn kho, ông Đực cho biết ở TP.HCM chỉ có khoảng 40-50 dự án hoạt động sôi nổi, còn lại 700 dự án vẫn chìm trong khó khăn.

Như vậy, chưa đến 10% dự án hoạt động, hơn 90% còn lại không bán được vẫn tiếp tục nằm chết thì tiền lãi vay ngân hàng trong 1 năm thử tính xem lên tới bao nhiêu?

Thường những dự án nằm chết lại có vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với dự án hồi sinh. Theo đó, dự án hồi sinh thường là dự án nhỏ có giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đổ lại, còn giá trị của dự án chết lên tới cả ngàn tỷ.

Thành ra số vốn nằm chết trong bất động sản đắp mền nhiều gấp hơn 10 lần dự án hồi sinh về số lượng, chất lượng gấp 3-4 lần, tổng số tiền gấp 40-50 lần. Dù dự án hồi sinh có bán cũng chẳng được bao nhiêu, trong khi dự án chết hàng năm vẫn phải trả lãi tối thiểu 10%.

"Như vậy, giá trị tồn kho bất động sản phải tăng lên chứ không phải giảm đi vì lượng tồn kho đó phải đổ tiền vào mới bán được, còn đằng này không thể bỏ tiền vào được nữa cũng không bán được nhưng vẫn phải trả lãi. Các doanh nghiệp không thể lấy số lãi đó kê khai vào lỗ mà phải đưa vào vốn", ông Đực phân tích thẳng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt