Top

Nguy cơ thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam

Cập nhật 09/09/2015 15:08

Việc Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ lo ngại nhiều khả năng các sản phẩm tôn thép giá rẻ của Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước thêm phần khó khăn.


PV: Trung Quốc đã liên tục điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ trong thời gian gần đây, việc này ảnh hưởng như thế nào đến ngành sản xuất thép trong nước, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Sưa- Hiệp hội thép Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Sưa: Hiện tại Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Lượng cung quá lớn, buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải chuyển hướng sang thị trường nước ngoài và phá giá đồng Nhân dân tệ là một biện pháp hỗ trợ cho xuất khẩu thép của Trung Quốc.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu lớn thép của Trung Quốc, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, vì vậy, việc điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ sẽ có tác động hai mặt đến ngành sản xuất thép trong nước. Ở chiều thuận lợi, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đang chiếm khoảng hơn 50% tổng sản lượng thép nhập khẩu của Việt Nam nên đồng Nhân dân tệ yếu thì các nhà nhập khẩu Việt Nam có cơ hội được nhập thép với giá cả  rẻ hơn.

Tuy nhiên, ở chiều bất lợi, việc đồng Nhân dân tệ phá giá giúp làm giảm giá thép thành phẩm của Trung Quốc, tăng lợi thế cạnh tranh về giá sẽ khiến các sản phẩm thép của Trung Quốc như thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội, các loại tôn… sẽ có khả năng ồ ạt tràn vào Việt Nam với số lượng lớn hơn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

PV: Trước tình hình này, DN sản xuất trong nước cần có sự chủ động ứng phó như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Trung Quốc đã liên tiếp điều chỉnh tỉ giá (chỉ trong vòng 3 ngày, từ ngày 11.8.2015 đến 13.8.2015, Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ tới 4,67%), cũng chưa thể dự đoán được trước liệu Trung Quốc có tiếp tục điều chỉnh tỉ giá nữa hay không nên DN sản xuất thép trong nước rất cần có những kế hoạch chủ động để ứng phó kịp thời trước khả năng “cơn bão” thép giá rẻ Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam. Thậm chí, trước đây khi Trung Quốc chưa phá giá đồng Nhân dân tệ, các DN Trung Quốc đã có nhiều mánh lới để giúp cho việc xuất khẩu sang Việt Nam với biên độ lớn điển hình như làm giả thép hợp kim…

Điểm yếu của DN thép Việt Nam là quy mô đa phần rất nhỏ, điều này dẫn đến năng lực công nghệ, năng lực tài chính kém, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, giải pháp căn cơ là ngành Thép phải xây dựng những DN đủ lớn với quy mô 2 - 3 triệu tấn/năm, với quy mô này DN mới có thể có khả năng tài chính, công nghệ để đối chọi với sản phẩm của nước ngoài tràn vào.

Hiện nay, chúng ta cũng đã có một số DN có quy mô tương đối, có sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn/năm như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tôn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Việt... Nếu số lượng DN này được mở rộng hơn nữa, sẽ tập trung được sức lực để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh đó, để bảo vệ sản xuất trong nước, ngành Thép cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thông qua việc tăng cường quản lí chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, kiểm soát tốt hơn lượng thép vào Việt Nam từ Trung Quốc…

PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN ngành Thép từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Văn Sưa: Theo số liệu đã tổng hợp từ các DN trong ngành thì 7 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh các DN ngành Thép đều khả quan với mức tăng trưởng trung bình đạt khoảng 18% so với cùng kì năm 2014. Trong đó, một số sản phẩm có sự tăng trưởng ấn tượng như thép ống tăng trưởng tới 27 - 28%, thép xây dựng tăng 24%, tôn mạ tăng khoảng 14%...

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2015 ngành Thép cũng đạt những kết quả kinh doanh khả quan, trong cả năm ngành Thép có thể tăng trưởng được khoảng 17 - 18% so với năm 2014.

PV: Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo VCCI