Top

BĐS Năm 2012: Dự cảm & hy vọng

Cập nhật 06/01/2012 15:05

Đất nước đã bước qua một năm 2011 thách thức và khó khăn. Trong không khí cả nước hân hoan sống trong những ngày xuân mới của năm 2012, PV BĐS&VLXD đã có cuộc gặp gỡ ngắn với những con người tâm huyết đang gắn bó với từng sự đổi thay của đất nước.

Mỗi người trong số họ giữ cho mình một trọng trách, vai trò và vị trí công tác riêng nhưng tựu trung lại một niềm tin tưởng và chờ mong năm Nhâm Thìn 2012 hứa hẹn.

TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn

Thủ đô Hà Nội sẽ xứng đáng là đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như bao thế hệ mong đợi. Cùng với quá trình CNH, HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Năm 1998, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2009 là 29,6% và mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đến tháng 8/2011 đã tăng lên 31%.

Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại… Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng cần có các giải pháp để khắc phục hiệu quả những hạn chế trong thời gian qua như: Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị có nguy cơ vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương; ùn tắc giao thông; Tăng quỹ nhà ở xã hội; Triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới… còn chậm.

Chúng ta cần phải quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về việc “phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; Coi trọng bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 24/2008/NQ-CP, Quyết định 445/QĐ-TTg. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị, có hạ tầng kỹ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; Có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; Có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; Có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế góp phần thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.

Chúng ta đã có Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trong đó xác định Hà Nội là đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Chúng ta có rất nhiều công việc phải làm. Nhưng với một năm đầu khởi động thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg, tôi tin tưởng năm Nhâm Thìn 2012 sẽ đầy hứa hẹn và chắc chắn thủ đô Hà Nội mai này sẽ xứng đáng là đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như bao thế hệ mong đợi.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Do tình trạng lạm phát nên nguồn tín dụng bị ngăn lại, các nhà đầu tư trực tiếp đều phải tính đến luồng vốn nào để thay thế. Một chính sách tiền tệ tương ứng là phải giảm bớt cái nóng của đầu tư, cắt giảm đầu tư công, khống chế lãi suất tín dụng… Đó là việc đương nhiên phải làm và tác động đến thị trường BĐS. Vậy thị trường BĐS phải làm gì để đỡ tổn thất nhất trong hoàn cảnh đó? Các giải pháp vốn như huy động từ tiền tiết kiệm của dân; FDI; Các quỹ phát triển BĐS… nhưng đều không tạo được sức bật lớn về vốn. Ngoài ra có những giải pháp khác như có thể đưa vào chứng khoán BĐS hoặc chúng ta có thể tháo gỡ bằng cách thế chấp BĐS tại ngân hàng nước ngoài. Tuy hình thức này tạo nguồn vốn mạnh mẽ, không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ ở Việt Nam nhưng lại liên quan đến chính sách đất đai. Cuối năm 2011, xu hướng thị trường chuyển từ cao cấp, trung cấp sang khu vực giá rẻ là rõ nét. Ngay trong chiến lược Quốc gia về phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2050, một trong những trọng tâm của chiến lược là phát triển nhà giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, nhà cho qua rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã chuyển sang kinh doanh chung cư mini có diện tích dưới chuẩn. Và họ thành công tức là những giao dịch trong khu vực nhà giá rẻ vẫn bình thường. Chỉ có BĐS từ hạng trung trở lên mới trì trệ. Tuy nhiên với thị trường này, đáng nhẽ ra các cơ quan Nhà nước phải tạo thuận lợi cho thị trường có cơ hội vực lại sớm. Theo tôi dự báo tới cuối năm 2012, khu vực giá rẻ sẽ sầm uất hơn và bài toán vốn cho khu vực giá rẻ sẽ giải quyết được. Và đây là một điều kiện để thị trường hồi sinh. Đối với các thị trường trung và cao cấp thì các nhà đầu tư buộc phải chấp nhận lỗ ở mức độ nào đấy và tính bài toán đầu tư mới chứ không thể cố để vực giá trở lại ban đầu. Đừng hy vọng vào một thị trường gặt hái siêu lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim (CONSTREXIM - HOD)

Tôi tin tưởng thị trường BĐS sẽ trở lại hoạt động bình thường vào cuối năm 2012. Có thể nói năm 2011 là năm đầy khó khăn và thử thách đối với ngành Xây dựng do lạm phát nhanh, do trượt giá của VLXD. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng tăng vọt trong thời kỳ đầu năm làm DN rất khó tiếp cận nguồn vốn. Điều này đã dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất, đình trệ sản phẩm đầu ra của các ngành sản xuất VLXD như gạch ngói, xi măng, sắt thép. Đối với các DN làm kinh doanh BĐS không chỉ gặp những khó khăn như trên và còn chịu thêm dư luận về giá BĐS.

Theo dự báo, vài năm nữa sự biến động về BĐS giữa cung và cầu trên thị trường sẽ lại tiếp tục xảy ra giống như các năm trước đây. Tuy nhiên cũng phải nói rằng Nhà nước đã rất kịp thời đưa ra các chính sách để điều chỉnh lãi suất ngân hàng và kế hoạch chiến lược về đầu tư xây dựng mà mới đây nhất tại hội nghị của các đơn vị ngành Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến về chủ trương chiến lược trong những năm. Đó là điều rất đáng mừng. Tôi tin tưởng thị trường BĐS sẽ trở lại hoạt động bình thường vào cuối năm 2012. Sở dĩ tôi tin tưởng như vậy vì căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng của xã hội và nhu cầu thiết yếu về nhà ở của các tầng lớp nhân dân. Sang năm mới 2012, DN chúng tôi có nhiều kỳ vọng, trước tiên là kỳ vọng vào chính sách vĩ mô. Điều tiết chính sách vĩ mô càng ổn định bao nhiêu thì các hoạt động của DN càng tốt bấy nhiêu. Tôi mong muốn từ năm 2012 trở đi các chính sách vĩ mô cần được nghiên cứu kỹ để khi ban hành sẽ ổn định và hướng tới sự phát triển bền vững cho các DN và xã hội. Tôi cũng kỳ vọng là Đảng và Nhà nước đánh giá đúng thực chất các hoạt động của ngành Xây dựng và BĐS.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng