Top

Mua bán, sáp nhập BĐS 2012: Động lực là nhà đầu tư nội

Cập nhật 06/01/2012 09:50


Dự án Diamond Tower (Nam An Khánh, Hà Nội) được chuyển nhượng cho nhà đầu tư trong nước
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2012 là một cuộc đua không cân sức giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư Việt Nam.

Tương quan lực lượng giữa khối nội và khối ngoại trong năm 2011 khá cân bằng, thể hiện qua nhiều thương vụ hoán đổi giữa nhà đầu tư ngoại cho nhà đầu tư nội và ngược lại.

Nhưng nổi bật hơn cả, là việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư nội diễn ra sôi động với việc Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 chuyển nhượng Dự án Cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (Bình Thạnh) cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản thủy lợi 4A; Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng Dự án Diamond Tower (Nam An Khánh, Hà Nội) cho Công ty Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico với giá hơn 207 tỷ đồng; Tập đoàn Archi mua lại 67% cổ phần của Công ty Du lịch Hồ Sông Đà (Sudito) và mua đứt Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Kim Bôi; Tập đoàn FPT bán lại cổ phần trong Dự án Tòa nhà FPT (89 - Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội); Tập đoàn Vincom chuyển nhượng cổ phần tại Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho Tập đoàn Sun Group và Vingroup chuyển nhượng toàn bộ tháp B khối văn phòng của toà nhà Vincom Center Hà Nội (phố Bà Triệu) cho Techcombank…

Ông Neil MacGregor, Phó giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam nhận xét, trước kia, các hoạt động M&A chất lượng phần lớn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Nhưng gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam năng động hơn trong việc mua lại các dự án bất động sản.

Còn TS. Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SmiC, cố vấn cao cấp của Tập đoàn EIG Hoa Kỳ cho rằng, sự tham gia của luồng vốn ngoại vào thị trường M&A thời gian qua còn “khiêm tốn” hơn sự trông đợi. Thậm chí, số lượng nhà đầu tư nước ngoài (đa phần là quỹ đầu tư) đang tìm cách thoái vốn khỏi thị trường bất động sản còn áp đảo so với các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy sự hụt hơi của thị trường Việt Nam và tỏ ra mất kiên nhẫn.

Điều này khá hợp lý khi nhìn vào động thái M&A sắp được diễn ra trong năm 2012.

Hàng loạt thương vụ M&A khác đang được lên kế hoạch đều là những dự án được chuyển nhượng “nội bộ” trong nước. Động thái này được thể hiện bằng việc Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) công bố sẽ thâu tóm Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ tại số 9 - Lê Thánh Tông (Hà Nội) từ Công ty cổ phần Đại Dương; Công ty cổ phần Kinh Đô loan báo chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn góp trong Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, chủ đầu tư tòa cao ốc SJC Tower tại trung tâm TP.HCM, cho một doanh nghiệp khác của Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình lên kế hoạch chuyển nhượng các dự án khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, du lịch…; Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thông qua chủ trương bán một số dự án cho đối tác Việt Nam.

Việc nhà đầu tư nước ngoài thờ ơ với lời chào mời tham gia M&A các dự án tại Việt Nam cho thấy, ở thời điểm này, việc tham gia thị trường bất động sản Việt Nam của họ là khá mờ mịt. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam đang có sự điều chỉnh danh mục đầu tư. Thay vì đầu tư vào bất động sản, tài chính, một số quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang thay đổi chiến lược đầu tư để tập trung vào lĩnh vực khác. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dẫn dắt thị trường M&A năm 2012 vẫn là các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là sự lên tiếng của các “đại gia chiếu trên”. Việc sáp nhập các tập đoàn lớn (như Tập đoàn Vincom và Tập đoàn Vingroup vừa qua) là một tín hiệu lạc quan nhằm gia tăng nội lực, khả năng tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam và tăng tính khả thi cho các dự án. Xu hướng này trong năm 2012 sẽ gia tăng mạnh mẽ. Còn sự tham gia của khối ngoại vào thị trường M&A sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng, nhưng khó trở thành động lực dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư