Bộ Xây dựng muốn nới lỏng tín dụng bất động sản, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn còn ngại rủi ro Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa có văn bản gửi Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS).
Linh hoạt trong cho vay
Với mục tiêu “gỡ băng” thị trường BĐS vốn đang trầm lắng, Bộ Xây dựng đề nghị NH Nhà nước nghiên cứu và có hướng dẫn các NH thương mại, tổ chức tín dụng không tăng tỉ trọng tín dụng BĐS trong tổng dư nợ của toàn hệ thống nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỉ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS.
Trong đó, đối với một số khoản mục cần phải tăng tỉ trọng cho vay, như: vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở. Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỉ trọng, như: vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư…
Dự án bất động sản TPHCM đang rất cần nguồn vốn mới để phát triển. Ảnh: Tấn Thạnh
|
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề nghị NH Nhà nước cần nghiên cứu thêm hình thức “chuyển nợ” từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa NH với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa NH với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỉ trọng tín dụng BĐS nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, cho rằng nên có sự phân định các ngành và lĩnh vực thuộc BĐS để thấy rằng không hoàn toàn là phi sản xuất và việc siết lại cho vay toàn bộ khu vực này là chưa hợp lý.
Ông Nguyễn Trần Nam thừa nhận hiện nay vốn tự có của các doanh nghiệp BĐS không nhiều, chủ yếu là nguồn vay NH, trong khi dự án phải xây xong móng mới được huy động tài chính.
Do vậy, nhiều dự án hoàn thành 70% - 80% đã bị ngừng cho vay, dẫn tới chậm tiến độ, không bán được hàng. “Nếu không tiếp tục bơm nhồi vốn, dự án sẽ không thể bán để thu hồi vốn và trả nợ NH” – ông Nam nhận định.
Nguy cơ và rủi ro
Trong khi Bộ Xây dựng đặt niềm tin vào thị trường BĐS thì theo NH Nhà nước, tính đến ngày 10-6, dư nợ BĐS đã giảm 13.000 tỉ đồng so với cuối năm 2010 nhưng vẫn chiếm khoảng 8,54% dư nợ của toàn bộ nền kinh tế.
Tổng dư nợ BĐS đến cuối năm 2010 là 222.000 tỉ đồng. Tín dụng BĐS “khổng lồ” như vậy có vẻ chưa dừng lại khi Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định: “Nguy cơ rủi ro tín dụng và nợ xấu có xu hướng gia tăng do thị trường BĐS biến động thất thường, tình trạng đầu cơ còn phổ biến, lãi suất vay tổ chức tín dụng tăng cao”.
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng đến cuối tháng 5-2011, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46% so với cuối năm 2010, chiếm tỉ trọng 16,91% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Dư nợ để đầu tư kinh doanh BĐS hiện chiếm 9,4% dư nợ tín dụng toàn hệ thống; trong đó tỉ lệ nợ xấu là 2,37%. Trong khi đó, lãi suất huy động VNĐ bình quân 15,15%, tăng 3% so với cuối năm 2010. Ông Bình phân tích để dẫn đến dư nợ tín dụng BĐS cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro là do sai lệch cơ cấu nguồn vốn và nợ xấu BĐS.
Theo đó, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỉ trọng khá lớn, tới 77%, trong khi vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn nên có thể phát sinh rủi ro thanh khoản… Tuy vậy, ông Bình vẫn trấn an, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, bảo đảm thanh khoản, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng nhưng ở mức thấp, dưới 3%.
Trước phương án giải cứu thị trường BĐS của Bộ Xây dựng, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng hiện nay, nguồn vốn bị hút dồn vào các dự án BĐS của các “đại gia” (tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân) quá lớn, do vậy mấu chốt xử lý bài toán “mở van” tín dụng là ở đó. “Chính sự chiếm dụng vốn lớn trong khi dự án lại dài hơi là điều rất thất sách cho nền kinh tế” – ông Hùng Võ nhận xét.
Siết cho vay giải phóng mặt bằng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khuyến nghị để giảm thiểu rủi ro, trước mắt nên duy trì việc cho vay với lãi suất ổn định đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn, như các dự án đạt tỉ lệ hoàn thành từ 75% đến 80%; các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ.
Đối với các khoản vay phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cần phải siết lại vì hiện quỹ đất trống vẫn còn nhiều, tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đó, tiền đền bù để giải phóng mặt bằng lại đổ vào dân, không phục vụ sản xuất, không thúc đẩy tiêu dùng nguyên vật liệu...
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: