Top

Vì sao bất động sản không hút FDI?

Cập nhật 09/07/2011 09:30

Các ngân hàng quốc tế chưa sẵn lòng cho các dự án bất động sản tại Việt Nam vay, khi chính dự án đó được sử dụng như một dạng thế chấp. Điều này đã làm giảm sức hút của Việt Nam so với các nền kinh tế mới nổi của châu Á.

Nhận định này đã được đưa ra trong Báo cáo nhân đề “Thách thức trong tăng trưởng” được CBRE Việt Nam công bố cuối tháng 6/2011.

Báo cáo của CBRE Việt Nam nêu rõ Việt Nam chưa thể trở thành điểm đến đầu tư phổ biến của các tổ chức quốc tế do những e ngại về cơ sở pháp luật chưa hoàn thiện, thách thức kinh tế vĩ mô đè nặng và sự ràng buộc của các Tập đoàn với Chính phủ. Thay vào đó, các nhà đầu tư quốc tế đã lựa chọn Hồng Kông, Singapore, Australia và Nhật Bản.

Báo cáo của CBRE Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề minh bạch đang cản trở luồng vốn FDI vào Việt Nam mặc dù cũng đã có sự tiếp xúc của các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế với một số dự án bất động sản tại Việt Nam như Guoco Land, Keppel Land và Prudential.

Tuy nhiên, cũng có những kỳ vọng về sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư lần đầu tiên ở Việt Nam trong vòng một năm tới thông qua một số hình thức như mua toàn bộ dự án để phát triển từ các chủ đầu tư hiện nay.

Sáu tháng đầu năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản giảm xuống mạnh do tác động của nhiều nguyên nhân.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2011 đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã lùi xuống vị trí thứ 5 sau ngành công nghiệp chế tạo, xây dựng, dịch vụ ăn uống, lưu trú.

Tổng vốn FDI đăng ký và tăng thêm tính tới ngày 20/6 đạt 5,66 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký mới là 4,399 tỷ USD và vốn tăng thêm là 1,26 tỷ USD. Trong đó, FDI vào bất động sản chỉ đạt 275 triệu USD vốn đăng ký mới và 30 triệu USD vốn tăng thêm.

Với thực tế này, FDI đăng ký mới và tăng thêm vào lĩnh vực bất động sản đã ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Năm 2010, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt 36,8% tổng vốn đăng ký, xếp thứ 2 về tỉ lệ theo phân ngành FDI.

Việc giảm dòng vốn FDI vào bất động sản trong năm 2011 cũng đã được dự báo trước. Theo các chuyên gia, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với các trở ngại ngay tại trong nước như lạm phát cao, thiếu điện, cơ sở hạ tầng dịch vụ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, thời gian cấp phép một số dự án vẫn còn kéo dài…đã dẫn đến khả năng điều chỉnh của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn như biến động tỉ giá, khả năng mua bán của thị trường trong nước chỉ đạt tới mức giới hạn, cung đã vượt cầu… nên đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng như dịch vụ lưu trú ăn uống không tăng cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống còn hiệu lực là hơn 15 tỷ USD, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai...

Trong Hội thảo về “Chính sách tài chính cho thị trường bất động sản” mới đây, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài cho biết, FDI vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam tăng mạnh trong các năm 2008-2010, trong khi thị trường bất động sản quốc tế suy giảm.

Bên cạnh một số dự án lớn đã được cấp phép như Keangnam, Kumho Plaza... cũng có hàng loạt dự án bất động sản du lịch có quy mô lớn có tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD được cấp phép trong giai đoạn này.

Có tới 10/12 dự án mà quy mô đăng ký vốn trên 1 tỷ USD còn hiệu lực đến hết năm 2010 được cấp phép trong giai đoạn này là Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (4 tỷ USD), NewCity Việt Nam (4,3 tỷ USD), Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa (1,6 tỷ USD), Phú Thăng Long (1,7 tỷ USD), Khu Đô thị Đại học quốc tế Berjaya (3,5 tỷ USD), TA Associates VietNam (1,2 tỷ USD), Starbay VietNam (1,6 tỷ USD), Thành phố mới Nhơn Trạch (2 tỷ USD), Hồ Tràm (4,2 tỷ USD), Good Choice USA-Vietnam (1,2 tỷ USD).

Nguyên nhân khiến FDI vào bất động sản giai đoạn này tăng cao là do mong muốn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có vốn, có khả năng quản lý tạo ra các địa điểm du lịch tầm cỡ tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam như Duyên hải miền Trung, các khu Di sản thiên nhiên thế giới, các đảo có lợi thế du lịch. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích đầu tư vào các dự án khu đô thị, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các vùng kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích thu hút vốn FDI cho phát triển các dự án khách sạn cao cấp, văn phòng có quy mô và tiêu chuẩn cao tại Hà Nội và TP.HCM.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn