UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT về việc xây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn kết nối trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm. Cụ thể, cầu sẽ được bắt đầu từ cuối đường Đồng Khởi (Q.1) băng qua sông Sài Gòn đến quảng trường trung tâm KĐT Thủ Thiêm (Q.2) trong tương lai.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trang Bảo Sơn - Phó trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐT Thủ Thiêm, cho biết đang chuẩn bị công tác khảo sát, thiết kế và lựa chọn nhà đầu tư cho dự án. Hiện đã có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, Công ty CP dịch vụ đầu tư Đăng Cơ và Indochina Capital đề xuất nghiên cứu xây dựng cầu theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Việc xây cầu bộ hành vượt sông Sài Gòn (nối Q.1 - Q.2) cần hết sức cân nhắc về nhu cầu sử dụng và cảnh quan - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ai sẽ sử dụng?
Ông Hoàng Đức Hậu - Hội Cầu đường VN cho rằng, nhìn vào thực trạng hàng loạt cầu vượt bộ hành bị bỏ hoang hoặc thưa thớt người sử dụng tại TP.HCM cũng như Hà Nội thời gian qua sẽ thấy một thực tế, người dân chưa hình thành được thói quen đi bộ. Các cầu bộ hành này chỉ dài tối đa khoảng vài chục mét, cao tầm 2 - 3 m mà đa phần người đi bộ đã lười sử dụng. Trong khi đó, với cầu vượt bộ hành băng sông dự kiến tĩnh không đến 10m (bằng với độ cao cầu Thủ Thiêm), chiều dài ít nhất cũng khoảng 400m (bởi chỉ riêng khoảng cách giữa hai bờ đông - tây sông Sài Gòn đã 350m). Như vậy, liệu sẽ có bao nhiêu người chịu khó trèo lên độ cao này, rồi đi bộ hàng trăm mét để qua sông?
Theo ông Hậu, đầu tư một dự án phải tính đến hiệu quả. Muốn vậy, phải dựa trên cơ sở khảo sát, đánh giá nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, đến thời điểm này vẫn chưa có một khảo sát, điều tra xã hội học nào để biết liệu sẽ có bao nhiêu người có nhu cầu đi bộ qua lại giữa Q.1 và Q.2. Việc xây cầu đi bộ băng sông không thể được quyết định một cách vội vàng, duy ý chí, mà phải được khảo sát thực tế bởi một đơn vị tư vấn có uy tín để trả lời thuyết phục câu hỏi: cần đầu tư hay không.
''Nếu bỏ cả trăm triệu USD chỉ xây cầu dành riêng cho người đi bộ thì rất lãng phí, trong khi thực tế giao thông TP đòi hỏi đầu tư nhiều dự án khác cấp bách và thiết thực hơn'' - TS-KTS Lê Quang Ninh |
Trong khi đó, TS-KTS Lê Quang Ninh - Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thẳng thắn: “Tôi không đồng ý với phương án làm cầu đi bộ băng sông Sài Gòn. Mục tiêu xây cầu, đường trước hết là để phục vụ giao thông, tức cho cả người và xe. Nếu bỏ cả trăm triệu USD chỉ xây cầu dành riêng cho người đi bộ thì rất lãng phí, trong khi thực tế giao thông TP đòi hỏi đầu tư nhiều dự án khác cấp bách và thiết thực hơn. Thực tế, chúng ta thấy ở TP.HCM có dự án đầu tư nào cho người đi bộ mà thành công? Chẳng hạn, TP có nhiều cầu vượt bộ hành tiền tỉ nhưng không có người sử dụng, hay hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ lắp đặt tại 10 khu vực nóng của TP tốn cả tỉ đồng cũng chỉ xài được một thời gian ngắn. Vấn đề xây cầu đi bộ vượt sông tôi đã phản đối quyết liệt trong nhiều hội nghị vì rất tốn kém mà lại không thiết thực”.
Đồng quan điểm, TS Trần Đình Bá - Hội Kinh tế và khoa học VN, cho rằng một số nước phát triển trên thế giới cũng xây các cây cầu đi bộ quy mô lớn vượt sông, song đó là chuyện của “nhà giàu”, bởi các cây cầu này mang tính làm cảnh, trang trí, tham quan thưởng ngoạn nhiều hơn, trong khi TP.HCM hiện còn rất nhiều vấn đề dân sinh cần ưu tiên. Theo quy hoạch, ngoài cầu Thủ Thiêm hiện hữu, TP sẽ có các cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 nối Q.1 với Q.2, như vậy không cần xây thêm một cầu dành riêng cho đi bộ nữa, mà nên thiết kế các cầu này vừa phục vụ giao thông, vừa có vỉa hè an toàn cho người đi bộ thì sẽ thiết thực hơn.
Các cầu bộ hành tại TP.HCM đều… ế
Hiện TP.HCM có khoảng 6 cầu vượt dành cho người đi bộ rải khắp các quận nội, ngoại thành như: cầu vượt Suối Tiên (Q.Thủ Đức), cầu vượt Văn Thánh (Bình Thạnh), cầu Nơ Trang Long (Bình Thạnh), cầu Bệnh viện Từ Dũ (Q.1), cầu Nguyễn Trãi (Q.5) và cầu Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận). Hầu hết các cầu này đều lâm vào cảnh nhếch nhác, không người sử dụng. Chẳng hạn, đường Điện Biên Phủ dù có nhu cầu đi bộ rất cao, song hầu hết người dân đều băng trực tiếp sang đường, bỏ cầu vượt Văn Thánh nằm chỏng chơ, rác, bao ni-lông tràn bậc thang, thành cầu bị sơn, vẽ bậy. Tương tự, cầu vượt trên đường Nơ Trang Long, nối cơ sở 1 và 2 của Bệnh viện Ung bướu cũng loe hoe người sử dụng, dù hằng ngày nơi đây có hàng trăm lượt người thường xuyên phải sang đường. Cầu ở BV Từ Dũ được xem là cầu bộ hành đẹp nhất TP, có mái che, kính chắn nắng, vệ sinh sạch sẽ nhưng vẫn thưa người qua lại... |
Nan giải bài toán kết nối
Một vấn đề quan trọng khác, theo TS Bá, vị trí dự kiến đặt cầu đi bộ phía bờ Q.1 nằm ngay trung tâm lịch sử của TP, do đó kiến trúc, kết nối dự án thế nào là vấn đề rất nan giải. Trước đây, từng có ý kiến tranh cãi nên làm cầu hay hầm qua đây và cuối cùng TP đã phải chấp nhận phương án xây hầm Thủ Thiêm để không phá vỡ cảnh quan khu trung tâm hiện hữu, dù làm hầm phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.
Theo đề xuất của Công ty tư vấn Deso (Pháp) - đơn vị thiết kế công viên quảng trường Thủ Thiêm, dự kiến không chỉ làm một mà sẽ có đến hai cầu vượt bộ hành song song nối Q.1 với công viên quảng trường Thủ Thiêm theo hình dáng như hai cánh tay dang ra đón người dân. Deso tính toán, với diện tích 432.000m2 của công viên bờ sông và quảng trường phía Q.2, vào những lúc cao điểm có thể chứa đến 1,8 triệu người.
Tuy nhiên, TS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty tư vấn thiết kế NVD cho rằng, đây mới chỉ là ý tưởng trên giấy. Thực tế, việc kết nối hai bờ đông - tây Sài Gòn không đơn giản và cũng không phải đặt một, hai cây cầu ở giữa là xong. Vấn đề nan giải chính là tổ chức giao thông ở hai đầu cầu vượt, bởi không thể có chuyện người dân đi xe đến đầu cầu bên này, gửi xe, đi bộ qua đầu cầu bên kia rồi lại bắt xe đi tiếp. Theo TS Sơn, việc xây cầu đi bộ chỉ thu hút được người dân khi khoảng cách và thời gian đi bộ là ngắn nhất. Do vậy, cầu có thể tổ chức hoạt động dịch vụ thương mại dọc tuyến để người dân nghỉ ngơi đồng thời tạo nguồn thu; có mái che mưa nắng, thảm trượt song hành (Tapis roulant - giống như kết nối các cổng lên máy bay tại nhà ga sân bay Singapore), để phục vụ cho lưu lượng người đi bộ cao và rút ngắn thời gian đi bộ. Đồng thời, ở phía bờ Q.1 xây dựng tuyến xe buýt điện mini chạy vòng quanh trục Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Hàm Nghi - bến Bạch Đằng; còn phía bờ Q.2 xây trung tâm xe buýt công cộng kết hợp các khu vực giữ xe để khuyến khích lượng người từ phía hai đầu đại lộ đông - tây gửi xe cá nhân, và dùng phương tiện công cộng đi vào trung tâm TP. Về lâu dài có thể bổ sung thêm trạm metro khi có điều kiện.
“Để thực hiện các điều này, cần phải có quy hoạch kết nối hai bờ đông - tây Sài Gòn và đáng lẽ quy hoạch này phải đi trước quy hoạch KĐT Thủ Thiêm. Trong quá trình lập quy hoạch kết nối, đơn vị tư vấn mới đánh giá được có cần xây cầu vượt sông dành riêng cho đi bộ hay không, và cầu này đặt ở vị trí nào, kết nối thế nào là phù hợp nhu cầu thực tế và thuận tiện nhất cho người dân. Quan trọng nhất, quy hoạch này cần xác định được thời điểm đầu tư, có thể việc xây cầu bộ hành là cần thiết, song không nhất thiết làm ngay mà nên ưu tiên các dự án khác”, TS Sơn góp ý.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: