Top

Bất động sản thời COVID-19: Trả mặt bằng trung tâm, hùn vốn thuê chung

Cập nhật 22/08/2020 14:55

Do dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hộkinh doanh phải đóng cửa, trả lại mặt bằngở trung tâm thành phố. Một số chia nhỏ mặt bằng, chuyển đến nơi xa để có giá thuê mặt bằng thấp hơn.

Biển cho thuê nhà, rao vặt ngày càng nhiều trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TPHCM (ảnh chụp ngày 21/8) Ảnh: U.P

Giảm giá vẫn ế ẩm

Chị Bích Ngọc khai trương cửa hàng sản xuất và bán bánh mì ở đường Gò Ô Môi và quán bán cơm gà ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM) hồi đầu năm. Sau đó, do vắng khách, không chịu nổi tiền thuê mặt bằng, chị phải đóng cửa và sang nhượng quán. “Dịch bệnh, đa số người dân ở nhà nấu ăn, ít ra đường khiến kinh doanh ế ẩm”, chị Ngọc nói. Theo chị, gia đình đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, nay sang nhượng quán cơm gà 350 triệu đồng và tiệm bánh mì 180 triệu đồng, tính ra chỉ trong vòng hơn 1 tháng, lỗ cả tỷ đồng.

Kinh doanh cửa hàng thời trang trên đường trung tâm quận 1 hơn hai năm nay, tuy không quá khấm khá nhưng làm ăn ổn định và đều đặn có lời, chị Bích Hồng không ngờ có ngày mình buộc phải trả lại mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm. Mặt bằng này có giá thuê 70 triệu đồng/tháng, rộng rãi, vị trí đẹp, lại là khu vực giao thương tốt, vốn được nhiều khách thuê tranh giành. Nhưng nay rất nhiều cửa hàng ở khu vực này phải đóng cửa, trả mặt bằng. “Chủ nhà đã giảm 30% giá thuê trong tháng qua nhưng vì lượng khách ngày càng ít, khó khăn tài chính không thể cầm cự thêm, mình đành phải trả mặt bằng và tìm hướng đi mới”, chị Mai nói.

Đường Nguyễn Trãi, từ quận 5 đến quận 1 (TPHCM), vốn là con đường mua sắm thời trang nhộn nhịp, nhưng nay nhiều cửa hàng đóng cửa và hàng loạt bảng cho thuê mặt bằng được treo lên. Tại trung tâm quận 1, nhiều căn nhà mặt tiền có vị trí đắc địa như ở vòng xoay Phù Đổng Thiên Vương, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, ngã tư Tôn Thất Tùng-Bùi Thị Xuân hay trên đường Thái Văn Lung, đường Hai Bà Trưng… đều đóng cửa, treo bảng cho thuê. Rất nhiều mặt bằng kinh doanh ở các tuyến đường lớn, quận trung tâm TPHCM đang trong tình trạng cửa đóng then cài, bảng hiệu cho thuê xuất hiện dày đặc. Nhiều quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng sau những ngày giãn cách xã hội vì không cầm cự nổi. Hầu hết chủ cho thuê mặt bằng chủ động giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái, ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán, nhưng vẫn không tìm được khách.

Chị Thùy Linh, chủ mặt bằng tại đường Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM), cho biết, ngôi nhà mặt tiền của chị có diện tích 100m2, một trệt, một lầu, cho thuê với giá 4.000 USD/tháng, nhưng do tác động của dịch COVID-19, người thuê kinh doanh thua lỗ nên trả lại. Chị đã treo biển cho thuê với giá 3.500 USD/tháng nhưng vài tháng nay không có khách hỏi. Chị Mai Hoa đang cho thuê 2 mặt tiền kinh doanh quán cà phê và salon làm đẹp ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) nói rằng, trước đây chị cho thuê 2 căn nhà, thu về gần 150 triệu đồng/tháng. Đầu tháng 5, khách thông báo trả lại mặt bằng, dù trước đó chị đã giảm giá thuê xuống 30%.

Theo báo cáo thị trường bất động sản thương mại mới nhất của Công ty Savills Việt Nam, nhà mặt tiền tại khu vực trung tâm Sài Gòn phụ thuộc vào lĩnh vực thương mại, du lịch bị hoàn trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của chính sách hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Theo khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, giá chào thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố tại TPHCM giảm 10-30% so với trước dịch COVID-19. Hiện nay, thời gian thuê ngắn hơn, còn 2-3 năm thay vì 5 năm như trước. Nhiều nhà bán lẻ hoãn việc mở mặt bằng mới khiến thời gian các mặt bằng bị bỏ trống kéo dài thêm.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng, giá thuê mặt bằng đang bị đẩy lên quá cao, vượt qua ngưỡng chịu đựng của khách thuê. Tình trạng mặt bằng kinh doanh trên đất vàng TPHCM bị bỏ trống hàng loạt khi kinh doanh khó khăn là hệ quả của việc giá thuê mặt bằng liên tục tăng cao trong thời gian dài. Tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2020 cho đến khi tâm lý phòng vệ, lo ngại rủi ro được dỡ bỏ.

Tìm mặt bằng giá rẻ

Gần đây rộ lên phong trào chia sẻ mặt bằng kinh doanh tại những nơi đắt đỏ. “Không cần ngăn đôi cửa hàng, hai bên thỏa thuận và bày biện đồ hợp lý, bắt mắt. Tiền thuê mặt bằng 15 triệu đồng/tháng cưa đôi giúp tôi và người thuê chung đỡ áp lực khi buôn bán ế ẩm”, chị Hoa Mai, chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi “Thế giới trẻ thơ” (quận 10, TPHCM), kể chuyện thuê chung cửa hàng với diện tích 18m2. Chị nói rằng, một điểm lợi nữa là có thêm nhiều khách quen từ cửa hàng bên thuê chung.

Một số mặt bằng “ngon” tại TPHCM còn chia “3 ca” hoặc kinh doanh theo giờ. Kinh doanh bún mắm trên đường Hòa Bình (quận 11, TPHCM), bà Hiền lo chi phí mặt bằng cao sẽ bị lỗ nên nghĩ ra cách kéo thêm khách thuê mặt bằng kiểu “3 ca”. Buổi sáng từ 5h-10h, bà cho khách thuê bán cơm tấm. Buổi trưa từ 11h-16h, một bạn hàng bán nước giải khát. Từ 17h-23h, bà bán bún cá. “Tiền thuê chúng tôi ăn đồng chia đủ làm 3 phần, mỗi bên gánh một phần. Có thời điểm vắng khách nhưng tiền thuê nhẹ nên cứ vậy mà buôn bán”, bà kể.

Không chỉ các mặt bằng nhỏ mới tìm người cho thuê để vượt khó, nhiều cao ốc lớn, mặt tiền đắc địa ở quận 1, TPHCM cũng cho thuê chung. Người thuê là các công ty mở văn phòng đại diện, phòng giao dịch khách hàng... Mỗi công ty chỉ kê đại diện một chiếc bàn làm nơi tiếp khách.

Vừa khai trương loạt siêu thị Điện máy Xanh supermini ở tỉnh Tiền Giang, Thế Giới Di Động cho thấy hướng đi mới là tiến về các ngóc ngách của thị trường vùng xa. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động, cho biết, diện tích chỉ từ 120-150m2 lại ở vùng xa nên mặt bằng có giá rất rẻ so với TPHCM. “Có thể là một nghịch lý khi trong tình hình hiện nay chúng tôi vẫn mở rộng mạnh mẽ và đặt mục tiêu tăng trưởng lớn. Nhưng, khi người khác nhìn thấy khó khăn, chúng tôi lại nhìn thấy cơ hội và tận dụng để tiến về phía trước”, ông nói.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành đưa ra các giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông giao Sở KH&ÐT, Sở LÐ-TB&XH tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong