Top

Long Thành hết thời xếp hàng săn đất

Cập nhật 20/08/2020 09:17

Nhiều công ty môi giới đang vẽ ra khung cảnh bất động sản Long Thành tấp nập giao dịch, mua sẽ có siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược.

Sau thời gian hoạt động tấp nập thì nay nhiều sàn môi giới đang trong tình trạng đóng cửa

Hết thời xếp hàng săn đất

Thời điểm 2016 - 2018, thị trường bất động sản Đồng Nai thu hút được rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Đặc biệt, tại huyện Long Thành, đã có không ít cơn sốt đất cục bộ nổi lên nhờ thông tin xây dựng dự án sân bay Long Thành.

Lúc đó, việc giao dịch rất nhanh chóng và dễ dàng. Người mua cũng không đòi hỏi nhiều, chỉ cần xem đất trên giấy và chốt được giá hợp lý là giao dịch. Việc một lô đất được qua tay nhiều người trong một ngày không có gì là lạ. Nhưng giờ đây, hoạt động mua bán lại tỷ lệ nghịch với mức độ tăng giá và tiến độ thi công sân bay Long Thành.

Trở lại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vào những ngày đầu tháng 8/2020, quang cảnh mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản dễ dàng bắt gặp là sự vắng lặng tại những khu đất đã được san phẳng, đường vào dải nhựa, vỉa hè lát đá… Trên mỗi thân cây cao su bên đường gim chi chít bảng rao bán đất.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên dọc đường dẫn vào xã Bàu Cạn, không khó để nhận thấy hàng chục ngôi nhà được xây dựng gấp làm văn phòng giao dịch của các công ty bất động sản. Hàng trăm biển hiệu với lời giới thiệu “đất chính chủ bán theo sào, mẫu - Có đường ô tô - Sổ hồng công chứng ngay” hay “Đất giá rẻ - Sổ hồng chính chủ - Sang tay trong ngày”.

Tuy nhiên, một điểm chung của những văn phòng giao dịch này là đều đóng cửa im lìm. Càng đi vào sâu những con hẻm thì càng nhận thấy rất nhiều khu đất trước đây là rừng cao su được san phẳng, đường giao thông gần hoàn tất, nhưng xung quanh không hề có bảng hiệu hay bất cứ thông tin nào về dự án đang được xây dựng.
Để cảnh báo người dân trước việc tràn lan dự án “ma”, chính quyền địa phương đã cắm biển thông báo ở nhiều nơi

Một khu đất khác tại xã Phước Bình đã hoàn thiện thi công đường xá, nhưng được rào chắn xung quanh và không bóng người lai vãng. Hỏi thăm người dân ở đây thì không ai biết tên dự án gì, ai là chủ nhân.

“Tôi chỉ chứng kiến việc san ủi làm hạ tầng, nhưng từ lúc xây xong đến nay thì lại bỏ hoang cho cỏ mọc. Không thấy làm gì nữa cả”, bà Mai, một người dân sống gần đó chia sẻ.

Trong vai người cần mua đất làm nhà xưởng, chúng tôi liên hệ vào số điện thoại của công ty bất động sản nằm ở ngay đầu đường vào xã Phước Bình. Lúc này, một người xưng tên là Hưng, phụ trách kinh doanh của công ty đã mời chào với giá từ 1 - 5 triệu đồng/m2 (diện tích khoảng hơn 1 ha), tùy theo vị trí và khoảng cách với đường lớn.

Với giá 1 triệu đồng/m2, nhân viên này cho biết khu đất nằm cách đường lớn khoảng 1,5 km, đã được mở đường cho ô tô vào tận nơi và hạ tầng đã làm xong xuôi.

Mặc dù chúng tôi đang đứng trước trụ sở của công ty và thực trạng là đang đóng cửa, nhưng nhân viên tư vấn này vẫn “chém” là sàn đang hoạt động tấp nập.

“Hiện giờ anh đang ở đâu, có gần văn phòng chỗ em ở xã Phước Bình không để tụi em dẫn anh đi xem đất ạ. Ở đây cũng có vài khách đang chờ đi xem lô đất anh vừa hỏi luôn. Nhanh tay còn kịp anh à, chứ sau này sân bay khởi công thì không còn giá đó đâu, chắc cũng phải lên gấp đôi so với hiện giờ”, nhân viên này nói.
Một dự án nằm “bất động” khi đang xây dựng hạ tầng dở dang

Khi chúng tôi hỏi thêm về việc mua đất rồi thì có mở xưởng được ngay hay không, hay phải cần làm thủ tục thế nào? Lúc này anh ta mới nói thật là khu đất thuộc loại đất trồng cây lâu năm, không phải đất ở hay có thể mở xưởng sản xuất, nên muốn mở xưởng phải đi xin chuyển đổi sang đất ở nông thôn rồi mới tính tiếp.

“Nếu anh mua thì công ty sẽ hỗ trợ thủ tục chuyển đổi luôn và thông thường sẽ mất từ 3 - 6 tháng là có thể mở xưởng sản xuất. Anh yên tâm, chỉ là hơi mất thời gian xíu nhưng bên em sẽ làm được vì ở đây ai cũng làm vậy”, nhân viên này trấn an khách hàng.

Quyết ngăn chặn dự án “ma” và “sốt” đất ảo

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPiHOME cho biết, khung cảnh mua bán đất ăn theo dự án sân bay Long Thành hiện nay ở những xã Phước Bình, Bàu Cạn, Tân Hiệp… được các công ty bất động sản, sàn giao dịch “vẽ” là tấp nập người ra kẻ vào, “mua không kịp sẽ hết” hay “đất siêu lợi nhuận khi sân bay Long Thành khởi công” hoàn toàn không có thật.

“Việc cố tình vẽ ra bức tranh sôi động để đẩy giá đất là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng, nhắm tới địa phương đang rất nóng về tình hình phân lô bán nền. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh và khả năng ra hàng của thị trường đang rất chậm, nhà đầu tư bây giờ dường như đã đổi vị. Thay vì tìm những khu đất có giá rẻ, nằm ở nơi xa để lướt sóng, thì nay nhà đầu tư tìm những dự án được quy hoạch bài bản, có đầy đủ tiện ích, đáp ứng đúng nhu cầu sống, vị trí thuận tiện”, ông Phi nói.

Cũng theo ông Phi, thông tin về những dự án hạ tầng như sân bay Long Thành hay cầu Cát Lái đã có từ cách đây hàng chục năm trước và thị trường đã chứng kiến nhiều cơn sốt nóng theo thông tin các dự án này. Giờ đây, việc đẩy nhanh tiến độ thi công sân bay Long Thành chỉ mang yếu tố kích cầu cho thị trường sau thời gian dài im ắng.

Ghi nhận của phóng viên Báo đầu tư Bất động sản, trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi vụ việc của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị phanh phui, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã mạnh tay và quyết liệt hơn trong việc xử lý, cũng như cảnh báo người dân trước tình trạng tràn lan dự án “ma” và “sốt” đất mà giới đầu cơ, cò đất đưa ra.

Cụ thể, dọc đường vào xã Bàu Cạn, không khó để nhận thấy chính quyền địa phương đã dựng lên nhiều bảng cảnh báo việc xây dựng hạ tầng trái phép để phân lô bán nền với nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi tự ý tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, tụ tập đông người rao bán đất dự án, khu dân cư, nhà ở trái phép”.

Trong đó, cách không xa UBND xã Bàu Cạn là tấm bảng lớn thông báo: “Khu vực nghiêm cấm các hành vi tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng, tụ tập đông người ra bán đất dự án - khu dân cư nhà ở trái phép”.

Cách đó không xa, một tấm bảng lớn khác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng ghi nội dung nghiêm cấm sang nhượng, mua bán, xây dựng trái phép. Cấm lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép trên đất lâm nghiệp.

UBND huyện Long Thành cũng đã có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa... tại địa phương các xã trên địa bàn huyện nhằm ngăn chặn một số công ty bất động sản lừa bán đất dự án cho người dân khi chưa được cấp phép đầu tư.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng phân lô bán nền trái phép. Hiện nay, các huyện, thành phố đã giao việc quản lý đất đai, xây dựng cho các xã, phường, nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép thì chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS