Hàng chục dự án triệu đô ở TP.HCM ngắc ngoải, “đắp chiếu” nhiều năm nay đã trở thành tài sản thế chấp tại ngân hàng, nhưng việc phát mãi, bán đấu giá để xử lý nợ không dễ.
Dự án triệu đô phơi nắng, phơi sương
Dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt hướng về phía Đông TP.HCM, qua giao lộ Hàm Nghi và Tôn Đức Thắng (quận 1), người đi đường đều không khỏi xót xa khi nhìn Dự án Sài Gòn One Tower đứng phơi nắng, phơi sương hơn chục năm qua.
Với diện tích hơn 6.600 m2, theo thiết kế, Sài Gòn One Tower có khối đế là trung tâm thương mại dịch vụ gồm 6 tầng, khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế với 34 tầng và khối căn hộ cao cấp. Tổng mức đầu tư của Dự án lên đến 256 triệu USD.
Khởi công xây dựng năm 2007, Sài Gòn One Tower được kỳ vọng trở thành một trong những cao ốc biểu tượng của TP.HCM. Nhưng sau 2 năm khởi công, cơ bản hoàn thiện xây dựng phần thô, Dự án buộc phải dừng thi công do thiếu vốn, rồi liên tục lùi thời hạn hoàn thành. Tòa cao ốc xây dựng dở dang án ngữ “đất vàng” suốt hơn một thập kỷ trở thành “tội đồ” làm xấu bộ mặt đô thị của Thành phố.
Tương tự, ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM, ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, “siêu dự án” Kenton Node (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD cũng gây mất mỹ quan với những khối trụ bê tông bám đầy rêu mốc vì bị “đắp chiếu” nhiều năm.
Dự án Kenton Node do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài nguyên (Công ty Tài nguyên) làm chủ đầu tư, được khởi công và mở bán năm 2009. Sau đó, chủ đầu tư gặp vấn đề về vốn, Dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm.
Đến năm 2017, Kenton Node có thêm 1.060 tỷ đồng hậu thuẫn từ Ngân hàng BIDV và MSB, nhưng sau hai lần tái khởi động, Dự án vẫn chưa thể hồi sinh. Phía ngân hàng đã thông báo bán đấu giá Dự án để siết nợ.
Ngoài ra, hiện trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều dự án bỏ hoang, trong đó có những dự án tại khu vực trung tâm quận 1 như khu đất số 289 Trần Hưng Đạo; khu đất số 117 - 119 Nguyễn Huệ; khu đất rộng 1,8 ha tại 1Bis - 1Kép Nguyễn Đình Chiểu...
Thanh lý nhiều lần vẫn… ế
Trở lại câu chuyện của Sài Gòn One Tower, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Ban đầu, doanh nghiệp này có tên là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C, do 5 công ty góp vốn, nhưng do hoạt động không hiệu quả, nên các cổ đông sáng lập lần lượt thoái vốn. Sau đó, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C phải ngưng hoạt động vì nợ thuế.
Đầu năm 2017, thị trường xôn xao trước thông tin Sài Gòn One Tower sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài rót thêm vốn để hoàn thiện. Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố đã thu giữ tòa nhà để xử lý và thu hồi nợ của Công ty CP Sài Gòn One Tower từ tháng 5/2017.
Đến tháng 3/2018, VAMC công bố bán đấu giá Dự án Sài Gòn One Tower với mức giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng. Thế nhưng, việc đấu giá Dự án cũng không suôn sẻ. Thời điểm đấu giá phải lùi lại nhiều tháng so với dự định ban đầu. Mức giá khởi điểm của Dự án cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thông tin về cuộc đấu giá sau đó không được công bố và đến nay, tòa cao ốc Sài Gòn One Tower vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Còn tại Dự án Kenton Node, mới đây, Ngân hàng BIDV phát đi thông báo về việc tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty Tài nguyên. Cụ thể, nợ của Công ty Tài nguyên gồm gốc và lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá tính đến hết ngày 29/3/2020 là 4.063 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của Công ty Tài nguyên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của Dự án Kenton Node.
Đáng nói, BIDV không phải là chủ nợ duy nhất của Kenton Node. Dự án này còn là tài sản được đồng thế chấp tại các ngân hàng BIDV, MSB, PVCombank.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Nguyễn Bích Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc phát mãi, bán đấu giá tài sản để xử lý nợ xấu hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Quy định cho phép ngân hàng được giữ nguyên hiện trạng tài sản khi phát mại, nhưng các cơ quan chức năng lại buộc nhà băng chuyển tình hình sử dụng đất từ đất ở sang đất dự án đầu tư, thì mới đồng ý cho phát mại. Điều này rất khó và bất hợp lý, gây khó cho các ngân hàng”, luật sư Trâm phân tích.
Chưa kể, khi làm thủ tục cho vay, các ngân hàng đã chấp nhận thủ tục thế chấp rõ ràng với khách hàng, nhưng xuất hiện tình trạng có thêm đối tượng thứ ba xen vào tranh chấp tài sản. Sau đó, tài sản thế chấp được chuyển sang tình huống là tài sản có tranh chấp, khiến các ngân hàng rất khó khăn trong việc phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gốc.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thị trường bất động sản đang trầm lắng, thì việc bán đấu giá, phát mãi các dự án lớn quy mô hàng ngàn tỷ đồng sẽ rất khó. Nếu không giảm giá mạnh, thì không dễ thu hút nhà đầu tư tham gia và hàng chục ngàn tỷ đồng đã đầu tư vào dự án sẽ tiếp tục bất động, gây lãng phí lớn.
“Với tình hình hiện nay, có thể xem xét lại quy định về bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu của VAMC. Thay vì mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá liền trước đó, thì có thể cho phép giảm nhiều hơn”, ông Lực nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: