Thị trường bất động sản đang “rã băng” khi giao dịch tăng dần theo thời gian, tồn kho giảm mạnh. Đặc biệt, thị trường đang hứa hẹn bứt phá mạnh khi đón nhận những dòng vốn lớn từ gói 30.000 tỷ đồng và chương trình tín dụng liên kết 4 nhà…
Từ "nới" gói 30.000 tỷ đồng...
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng, mới đây Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng này theo hướng mở rộng đối tượng, điều kiện được vay vốn.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.
Đồng thời, mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá). Mở rộng diện được vay vốn đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ).
Bên cạnh đó các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, lũ được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở.
Đặc biệt, Bộ xây dựng đễ xuất, các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng (80%x1,05 tỷ đồng).
Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung thêm một số NHTMCP phần theo đề nghị của NHNN được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Nếu đề xuất này được Chính phủ chấp thuận, sẽ có nhiều đối tượng được tiếp cận với gói tín dụng này. Dòng vốn cũng chảy vào thị trường nhanh hơn thông qua việc có nhiều NHTMCP tham gia hơn, từ đó sẽ nhanh chóng vực dậy phân khúc nhà ở xã hội là tác động lan tỏa ra cả thị trường.
Thị trường BĐS kỳ vọng "rã băng" từ phân khúc nhà ở xã hội
|
...cho đến chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng...
Đặc biệt, thị trường xây dựng có cơ hội đón dòng tín dụng dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng do Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh khởi xướng thông qua chuỗi liên kết bốn nhà: chủ đầu tư - nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng - ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, sáng kiến của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh trong việc xây dựng chuỗi liên kết bốn nhà là rất kịp thời và phù hợp với thực tế hiện nay.
Nhiều chủ đầu tư chỉ thiếu vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà đành để dự án rơi vào cảnh dở dang, không đúng tiến độ, thậm chí “đắp chiếu” gây bức xúc cho xã hội, khiến người dân thất vọng và mất niềm tin vào thị trường bất động sản.
Vì vậy, khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được "bơm" vốn, nhờ đó mà thoát khỏi khó khăn. Nguồn cung căn hộ giá trung bình cho thị trường cũng tăng nhanh, đem đến cơ hội tiếp cận được nhà ở giá hợp lý cho người dân.
Trên thực tế, hiện cả nước có 4.000 dự án bất động sản nhưng trong số này có nhiều dự án phải dừng dở dang mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Bởi vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời nguồn vốn sẽ giúp doanh nghiệp vững tâm khi triển khai dự án.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cũng khẳng định, gói tín dụng này là sáng kiến đối với ngành ngân hàng mà mục tiêu chính của nó là hợp lý hóa toàn bộ dây chuyền cung ứng vốn và dây chuyền thanh toán cho ngành xây dựng. Như vậy, chương trình sẽ giải quyết bài toán đưa vốn đi trực tiếp đến từng công trình với tốc độ thanh toán nhanh; công trình hoàn thành thì sẽ được thanh toán.
... và hơn thế nữa
Cũng chính bởi vậy NHNN cũng đã nhiều lần lên ủng hộ chương trình tín dụng này và cho rằng, chương trình tín dụng liên kết 4 nhà có ý nghĩa kinh tế rất lớn. Đó là tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đang dở dang, tăng cường hợp tác của các TCTD trong quản lý dòng tiền, củng cố lòng tin, tín nhiệm trong kinh doanh, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lặp, tăng cường công khai minh bạch trong cho vay đầu tư xây dựng.
Mới đây, NHNN cũng đã có công văn số 2848/NHNN-TD gửi các NHTM: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, MHB, VNCB, LienVietPostbank và SHB đông đốc việc triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà.
Cũng theo văn bản này ba ngân hàng: BIDV, VietinBank, SHB mỗi ngân hàng lựa chọn tối thiểu 1 dự án tiêu biểu có từ hai ngân hàng tài trợ trở lên trong 3 lĩnh vực: bất động sản, giao thông và năng lượng báo cáo NHNN; đồng thời chuẩn bị các thủ tục cần thiết (soạn thảo hợp đồng lien kết cụ thể, mời các chủ thể tham gia chuối…) để ký kết hợp đồng liên kết với các chủ thể tại buổi lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác.
Điều đó có nghĩa, không chỉ riêng chương trình tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng mà VNCB và một số ngân hàng liên minh khởi xướng, mà thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình tín dụng liên kết 4 nhà, không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Đó quả là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường bất động sản. Có thêm các cú hích này, nhiều chuyên gia cho rằng, chắc chắn thị trường sẽ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, đến đầu tháng 3/2014, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 266.728 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với cuối năm 2013.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: